You are here
Xuất nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh tháng đầu năm
Xuất nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh tháng đầu năm
Tổng cục Hải quan vừa công bố, 15 ngày đầu tháng 1/2015, mặt hàng xăng dầu đã sụt giảm đáng kể cả về lượng xuất lẫn nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dầu thô nửa đầu tháng một đạt giá trị 152 triệu USD, giảm 23,4%, tương đương 46 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng xăng dầu giảm đến 46%, tương đương 132 triệu USD so với cùng kỳ năm 2014.
Kim ngạch xuất dầu thô và nhập xăng dầu của Việt Nam đã giảm đáng kể nửa đầu tháng một. |
Con số này khá thuận với số liệu tính toán của Tổng cục Thống kê công bố trước đó. Cụ thể, với mặt hàng xăng dầu, số liệu ước nhập trong tháng một là 700.000 tấn, tương đương 377 triệu USD, giảm đáng kể so với con số 752.000 tấn và 467 triệu USD tháng trước. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì tháng 1/2015 chỉ bằng 89,5% về lượng và hơn 51,8% về giá trị.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu dầu thô cũng giảm đáng kể. So với tháng trước, sản lượng tháng này giảm gần 100.000 tấn và 225 triệu USD về giá trị. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước thì sản lượng vẫn tăng hơn 46%, nhưng giá trị chỉ bằng 63,5%.
Nguyên nhân của sự sụt giảm giá trị là bởi giá nhóm mặt hàng này rớt mạnh. Có thời điểm đầu tháng một, giá dầu thô xuống dưới 47 USD một thùng, thấp kỷ lục hơn 70 tháng qua.
Sau cuộc họp của lãnh đạo 3 Bộ Tài chính, Công thương, Kế hoạch đầu tư và Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thông báo Chính phủ đã có những kịch bản khác nhau để chủ động đối phó với sự sụt giảm giá dầu.
Ông Vinh khẳng định, nếu giá dầu năm 2015 quanh mức 60 USD mỗi thùng thì không tác động nhiều đến nền kinh tế khi thu ngân sách ước chỉ giảm khoảng 1.500 tỷ đồng. Trường hợp giá dầu thô bình quân ở mức 50 và 40 USD mỗi thùng thì ngân sách sẽ giảm thu tương ứng khoảng 9.500 tỷ đồng và 11.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Vinh nhấn mạnh, do Việt Nam vừa xuất dầu thô, vừa nhập phần lớn các chế phẩm từ dầu, mà sản lượng nhập xăng dầu lớn hơn xuất khẩu nên tác động của giá dầu sẽ diễn ra ở 2 chiều, trong đó nền kinh tế sẽ được nhiều hơn mất. Cụ thể, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư chỉ ra hai yếu tố quan trọng nhất là giá đầu vào cho sản xuất hàng hóa giảm và giá vận tải xuống theo.
Ông khẳng định, nếu cả hai yếu tố này cùng giảm thì các mô hình tính toán cho thấy, giá dầu ở mức 60 USD thì thúc đẩy kinh tế tăng thêm 0,27%; nếu 50 USD thì tăng 0,31% so với kế hoạch dự kiến 2015. Trong khi chỉ số này sẽ tăng 0,43% nếu giá dầu ở mức 40USD.
T.Đức