You are here

Người dân cần nhà, chung cư tăng giá nhưng loạt dự án nghìn tỉ vẫn bất động

Người dân cần nhà, chung cư tăng giá nhưng loạt dự án nghìn tỉ vẫn bất động

Người dân cần nhà, chung cư tăng giá nhưng loạt dự án nghìn tỉ vẫn bất độngDự án Manhattan Tower tại 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội nằm bất động hơn thập kỷ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Chung cư Hà Nội đã trở thành điểm nóng trên thị trường trong các tháng vừa qua, thậm chí còn lọt vào một trong những từ khóa đứng đầu danh sách tìm kiếm thịnh hành. Điều này cho thấy nhu cầu của người dân với loại hình bất động sản này vẫn rất lớn.

Giá chung cư quý 1 vừa qua, đặc biệt ở Hà Nội đã có sự tăng giá mạnh. Nếu các năm trước, giá căn hộ thường sẽ đứng nguyên tại chỗ hoặc dè dặt tăng từng nấc một. Nhưng đầu năm nay, giá các căn hộ thứ cấp, tức là những căn hộ được mua đi bán lại, không phải được chào bán bán trực tiếp từ chủ đầu tư đã vọt tăng trung bình 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nghiên cứu từ CBRE, giá bán trung bình của chung cư ở Hà Nội hiện nay đã đạt 56 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và kinh phí bảo trì), đang tiến gần hơn với mức giá trung bình ở TP Hồ Chí Minh là 61 triệu đồng/m2.

Trong khi nhu cầu mua nhà để ở của người dân lớn, giá chung cư tăng phi mã thì ở Hà Nội có không ít dự án đã xây dựng xong phần thô nhưng bỏ hoang nhiều năm nay.

Anh Nguyễn Quốc Sơn (32 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, dự án DLC Complex Nguyễn Tuân nằm tại vị trí đắc địa, ngay ngã tư đường Nguyễn Tuân - Ngụy Như Kon Tum nhưng đến nay vẫn bỏ hoang phế, quây hàng rào tôn xung quanh.

“Đất ở Hà Nội ngày càng ít, đặc biệt là tại những vị trí trục đường lớn. Mỗi lần đi qua, những người dân chưa có nhà như tôi chỉ nhìn và ước được sử dụng một căn hộ tại tòa nhà này”, anh Sơn nói.

Ảnh: Vĩnh Hoàng Dự án DLC Complex Nguyễn Tuân hoang phế. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Dự án DLC Complex Nguyễn Tuân được cấp phép xây dựng và khởi công vào cuối năm 2018 với quy mô 32 tầng, 4 tầng hầm, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DLC làm chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu, thời gian dự kiến bàn giao căn hộ cho người dân vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chỉ là khối bê tông khổng lồ.

Ảnh: Vĩnh HoàngDự án Manhattan Tower dừng thi công nhiều năm qua. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cách đó 1km, tại khu đất vàng số 21 Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, Thanh Xuân) có một "siêu dự án" tổ hợp chung cư đang bất động nhiều năm.

Đó là dự án Manhattan Tower (tên cũ là Thành An Tower) có chủ đầu tư ban đầu là Tổng Công ty Thành An. Sau đấy, dự án được chuyển giao hợp tác với Công ty Cổ phần Tư vấn và đầu tư xây dựng Ba Đình.

Theo tìm hiểu, sau gần một thập kỉ bất động, đầu năm 2018 dự án đã được tái khởi động với tên gọi Manhattan Tower và đơn vị phát triển là Công ty Cổ phần Landmark Holding sau này đổi tên thành Công ty Cổ phần Quốc tế Holding.

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 11.4, tại Dự án Manhattan Tower đã được xây thô đến tầng 21, không có hoạt động thi công nhiều năm qua.

Ảnh: Vĩnh HoàngDự án Usilk City bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Tương tự, trên phố Nguyễn Thanh Bình (Văn Khê, Hà Đông), một khu đô thị từng được kỳ vọng là nơi đáng sống bậc nhất quận Hà Đông cũng trong tình trạng hoang phế.

Dự án Usilk City được khởi công từ năm 2008, có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng, với 13 tòa nhà cao 25 – 50 tầng; dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối năm 2012 với 2.700 căn hộ hiện đại.

Tuy nhiên, đã hơn một thập kỷ trôi qua, phần lớn các tòa nhà nằm trong dự án mới chỉ đang xây thô đến tầng 4 và 5 và tiếp tục bị bỏ hoang, cỏ dại, cây cối mọc um tùm.

Sau nhiều năm chậm tiến độ, dự án Usilk City vẫn ngổn ngang, sắt thép hoen gỉ.

Ảnh: Vĩnh HoàngDự án trung tâm điều hành và giao dịch Vicem bất động nhiều năm. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Trên đường Phạm Hùng, Dự án trung tâm điều hành và giao dịch Vicem cũng đang đắp chiếu hàng chục năm. Dự án được phê duyệt trên lô đất rộng 8.476m2 tại 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, với quy mô gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỉ đồng. Tuy nhiên sau đó số vốn đầu tư đã tăng lên 2.743 tỉ đồng (tăng thêm gần 800 tỉ đồng).

Theo ghi nhận, đến nay, tòa tháp Vicem Tower chỉ mới hoàn thiện phần thô, công trường không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ hoang mọc ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh đã xuống cấp.

Lượt xem: 286