You are here

'Xuất khẩu' kỹ thuật nuôi cá tra sang Cuba

'Xuất khẩu' kỹ thuật nuôi cá tra sang Cuba

Ngày 12/9, bà Maria Del Carmen, Bộ trưởng Công nghiệp Thực phẩm Cuba dẫn đầu đoàn công tác nước này trực tiếp khảo sát quy trình nuôi cá tra thương phẩm của Hợp tác xã thủy sản Thới An và cho biết các vùng miền ở Cuba không có nhiều cá, tình trạng đánh bắt bất hợp pháp cao nên cần phải tăng cường nuôi để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm cho người dân. "Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn hợp tác với Hợp tác xã Thới An để xuất khẩu cá tra sang Cuba trong thời gian tới”, bà Maria Del Carmen nói.

ca-tra-body-2980-1410582640.jpg

Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Hải giới thiệu quy trình nuôi cá tra với đoàn công tác Cuba.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An, hiện hợp tác xã có 20ha đang nuôi cá tra. Nhờ liên kết tốt với doanh nghiệp, chủ động từ từ khâu đầu tư con giống, thức ăn, sản xuất theo quy trình Viet Gap, đảm bảo đầu ra nên xã viên làm ăn khá tốt. Trung bình một hecta nuôi cá tra sẽ thu hoạch được 500 tấn sau 7 tháng. Với mức giá 24.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân hiện có lãi khá.

HTX thủy sản Thới An là một trong những mô hình nuôi cá tra kiểu mẫu ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm cung ứng 20.000-30.000 tấn cá nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Bản thân chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Hải vào năm 2012 từng nhận huy chương vàng của Tổ chức Hợp tác xã nghề cá quốc tế (ICFO) và được tài trợ sang Hàn Quốc học khóa quản lý nghề cá. Hợp tác xã này là đơn vị đầu tiên của TP Cần Thơ được Tổng cục Thủy sản đến khảo sát, cấp mã số vùng nuôi theo Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.

                                Cửu Long

Lượt xem: 1,960