You are here
WB: Hệ thống tài chính Việt Nam gặp nhiều khó khăn
WB: Hệ thống tài chính Việt Nam gặp nhiều khó khăn
Theo báo cáo đánh giá khu vực tài chính vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam được nhận xét đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận thời gian qua như tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% và thu nhập đầu người tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, do kinh tế tăng trưởng chậm lại những năm gần đây, hệ thống tài chính - vốn có giá trị tương đương 200% GDP hằng năm đang bộc lộ những hạn chế, khó khăn.
Cụ thể, nợ xấu ước tính lên tới khoảng 12% tổng dư nợ tại thời điểm cuối năm 2012, tức cao hơn nhiều số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng và vượt ngưỡng an toàn 3%. ROA bình quân giảm từ 1,8% năm 2007 xuống 0,5% trong năm 2012, song nguy hiểm hơn là con số này có vẻ "bị phóng đại" do chất lượng số liệu tài chính còn thấp.
Sự không đồng nhất giữa số liệu báo cáo của các tổ chức khác nhau bắt nguồn từ việc phân loại nợ và trích lập dự phòng còn chưa thỏa đáng, đánh giá tài sản thế chấp không đáng tin cậy, không có cơ chế hiệu quả để buộc các tổ chức phải cập nhật thông tin kịp thời và chất lượng cho Trung tâm thông tin tín dụng (CIC)...
WB cho biết tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam đã có thời điểm lên tới 12%. |
Mức độ sở hữu chéo cao giữa các ngân hàng với nhau và giữa các ngân hàng và doanh nghiệp cũng là nguyên nhân dẫn đến những bất ổn trong hệ thống. Theo WB, cơ cấu cổ đông phức tạp đã gây những quan ngại sâu sắc về xung đột lợi ích và tính minh bạch trong các khoản vay, dẫn đến tình trạng lách các quy định an toàn về giới hạn cấp tín dụng.
Trước tình trạng trên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng, trong đó tập trung vào xử lý điểm nghẽn lớn nhất là nợ xấu và sở hữu chéo, song chưa mang lại nhiều dấu hiệu tích cực.
Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn động của doanh nghiệp (DATC) được thành lập để giúp xử lý các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhưng đến nay hoạt động còn mờ nhạt và các tài sản còn lại chủ yếu dưới dạng hàng tồn kho, các khoản phải thu và khoản đầu tư kém thanh khoản. "Các ngân hàng không muốn sử dụng DATC do tỷ lệ thu nợ theo báo cáo thấp, các công ty mua bán nợ (AMC) của ngân hàng thương mại hiện cũng hoạt động chưa thực sự hiệu quả", báo cáo cho hay.
Việc thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được đánh giá là bước tính đáng kể để giải quyết nợ xấu, song WB cho rằng chiến lược này chưa rõ ràng. Cụ thể, việc xử lý nợ qua VAMC còn phụ thuộc vào sự hấp dẫn của công ty này với các ngân hàng, song khi mua trái phiếu của tổ chức này, các ngân hàng phải trích lập dự phòng 20% và không được tính vào tài sản sinh lời, so đó, chỉ một số ít ngân hàng đang gặp khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản mới quan tâm đến việc bán nợ xấu cho VAMC.
Ngoài ra, nếu các tài sản này được chuyển nhượng và lưu kho mà không có sự quản lý hoặc giải quyết một cách chủ động, thì giá trị sẽ mất theo thời gian. "Trong bất kỳ trường hợp nào, VAMC sẽ chỉ giải quyết được một phần nợ xấu", WB nhấn mạnh.
Bởi vậy, các chuyên gia của WB đã đưa ra một số khuyến nghị để giúp lành mạnh hóa hệ thống tài chính của Việt Nam. Biện pháp cải cách cấp bách nhất là phải kiểm toán tài chính đặc biệt để đo lường chính xác tỷ lệ nợ xấu và kiểm toán hoạt động các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, xác định các hình thức liên kết chéo chủ yếu giữa ngân hàng và khách hàng vay nhằm giám sát rủi ro hệ thống trong quá trình cải cách...
Chính phủ cũng cần có chương trình nâng cao năng lực hoạt động của các ngân hàng bằng cách cấp vốn bổ sung cho các tổ chức tín dụng còn khả năng hoạt động để đáp ứng các quy định về an toàn vốn tối thiểu và loại bỏ một cách trật tự các ngân hàng yếu kém. Việc cấp vốn bổ sung cho các ngân hàng sẽ được thực hiện cùng với việc thoái vốn Nhà nước tại các ngân hàng khác, hoặc chuyển cho VAMC hoặc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để sau này thoái vốn.
Trong quá trình cải cách, các ngân hàng cũng phải nâng cao năng lực quản trị. Theo WB, cần cân nhắc thay đổi ban điều hành và lựa chọn một công ty tư vấn quốc tế thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước. Đối với các ngân hàng cổ phần tư nhân, đây sẽ là cơ hội để thoái vốn và làm sạch sở hữu chéo. Các ngân hàng nhỏ hơn và không còn khả năng hoạt động có thể được đưa vào chương trình xử lý nợ theo trật tự.
Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do WB và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khởi xướng thực hiện từ tháng 5/1999 nhằm hỗ trợ các nước thành viên phân tích, đánh giá tổng quan hiện trạng, mức độ ổn định và phát triển của hệ thống tài chính trên cơ sở các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, từ đó đề xuất các cải cách cần thiết nhằm làm hệ thống trở nên ổn định hơn và có khả năng chống đỡ các rủi ro phát sinh từ bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế. Lần này, đánh giá của WB với Việt Nam được xây dựng dựa trên khuôn khổ pháp lý và quy định hiện hành đến tháng 12/2012 và số liệu cùng kỳ.
Trước những nhận định về tỷ lệ nợ xấu, sở hữu chéo, sự can thiệp của chính quyền vào hoạt động cho vay của ngân hàng, trong thông cáo phát ra cùng thởi điểm công bố báo cáo, Ngân hàng Nhà nước cho rằng những đánh giá này chưa thật sự phản ánh chính xác hoạt động của thị trường tài chính Việt Nam, một phần do các yếu tố đặc thù về thể chế, lịch sử và cơ chế vận hành của thị trường tài chính trong nước, một phần do thời điểm đánh giá diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, các biện pháp cải cách của Chính phủ mới đắt đầu triển khai, cần thời gian chứng minh. Bên cạnh đó, việc áp dụng những chuẩn mực quốc tế đánh giá trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn đầu có thể dẫn đến một số khác biệt về quan điểm, Ngân hàng Nhà nước cho hay. |
Huyền Thư