You are here
Vì sao hộ kinh doanh chưa muốn 'lên đời' doanh nghiệp?
Vì sao hộ kinh doanh chưa muốn 'lên đời' doanh nghiệp?
Mở xưởng gỗ chuyên sản xuất nội thất 3 năm nay, nhưng gia đình chị Hạnh vẫn chưa đăng ký chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Chị Hạnh cho biết, với số vốn ban đầu kinh doanh gần 2 tỷ, hằng ngày xưởng sản xuất nhà chị vẫn duy trì 10 thợ, nhân viên. Nhiều lần, gia đình chị dự định chuyển đổi sang doanh nghiệp để tiện xuất hoá đơn chứng từ khi gia công các hợp đồng gỗ lớn, nhưng khi tìm hiểu chị Hạnh thấy quá nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp.
“Giờ thủ tục lập doanh nghiệp đơn giản hơn nhiều so với trước nhưng chuyển thành doanh nghiệp cũng kéo theo nhiều chi phí về bộ máy, nhân sự kế toán…”, chị Hạnh nói về lý do vẫn chần chừ chưa chuyển từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có khoảng 4,75 triệu hộ sản xuất, kinh doanh, gấp 10 lần số doanh nghiệp đang hoạt động; tổng tài sản ước tính khoảng 655.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 8 triệu lao động, trung bình cứ 19,3 người dân có một hộ kinh doanh. 80% trong số này hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng; 20% kinh doanh dịch vụ thương mại; lưu trú, ăn uống khoảng 16%...
Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời đưa ra chương trình ưu đãi mục tiêu cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ |
Thực tế, rất nhiều hộ kinh doanh dù có doanh thu không kém, có đội ngũ nhân công đông đảo, nhưng vẫn chọn mô hình kinh doanh hộ gia đình. Trong khi đó, dù có một số thuận lợi, song mô hình hộ kinh doanh cũng đã xuất hiện những điểm hạn chế, khiến mô hình này khó có thể phát triển, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. Nếu “chính thức hóa” hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ nâng cao chất lượng lao động: điều kiện, thu nhập, an toàn, phúc lợi và tính ổn định…
Để hộ kinh doanh thật sự thấy hào hứng khi “lên đời” doanh nghiệp, ông Phan Chí Hiếu – Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) kiến nghị nên cải cách môi trường kinh doanh, tính đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong quá trình thúc đẩy hộ kinh doanh lên doanh nghiệp nên dùng các đòn bẩy “kinh tế” hơn là “mệnh lệnh hành chính”.
Nêu điểm nhấn được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018 tới, ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay, Luật đưa ra chương trình hỗ trợ có mục tiêu hướng vào doanh nghiệp mới thành lập, chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp.
Cụ thể, các hộ kinh doanh khi “lên đời” doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, tiếp cận với hệ thống tín dụng chính thức (ngân hàng, quỹ đầu tư…), mà không còn phải chạy vạy vay vốn phi chính thức nhiều rủi ro như trước đây.
“Sẽ có rất nhiều ưu đãi hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Chương trình này sẽ tạo ra không gian khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trên thị trường so với con số 700.000 hiện nay”, ông Đông chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Long – Phó tổng giám đốc VPBank thì cho biết, ngân hàng này vừa ra mắt sản phẩm vay tín chấp dành cho các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Thay vì điều kiện doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phải có lịch sử kinh doanh trên 3 năm mới được vay tín chấp ngân hàng, thì nay điều kiện vay đã “nới lỏng” hơn rất nhiều.
“Doanh nghiệp chỉ cần thành lập trên 6 tháng, có lịch sử kinh doanh hộ gia đình trên 3 năm là đã đủ điều kiện vay. Mức lãi suất mà VPBank đưa ra với đối tượng này cũng rất hấp dẫn”, ông Long nói và cho rằng, đây là điểm hấp dẫn để hộ kinh doanh tiếp cận được vốn vay khi “lên đời” doanh nghiệp.
Anh Minh