You are here

Uber được tồn tại, phải ký hợp đồng với các hãng đủ điều kiện

Uber được tồn tại, phải ký hợp đồng với các hãng đủ điều kiện

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, dịch vụ vận tải hành khách ứng dụng công nghệ mạng để điều hành (Uber) tại Việt Nam được phép hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP HCM cấp ngày 30/8/2014. Tuy nhiên, đơn vị này phải ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thanh tra Bộ sẽ tiến hành thanh tra đột xuất hoặc định kỳ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sử dụng dịch vụ của Uber cũng như thanh tra các phương tiện mà Uber sử dụng. Nếu không đủ điều kiện theo quy định thì Uber và doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều phải chịu trách nhiệm, phương tiện không được hoạt động.

uber-6263-1428116294.jpg

Uber phải ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện.

Cơ quan này cũng đề nghị các Bộ Tài chính (quản lý về nghĩa vụ thuế, tài chính), Công Thương (quản lý về thương mại điện tử), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (quản lý về thanh toán quốc tế) và UBND TP HCM (quản lý về cấp giấy chứng nhận đầu tư) phối hợp nhằm tạo điều kiện cho Uber hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và cạnh tranh lành mạnh.

Đối với kiến nghị của Hiệp hội Taxi TP HCM, Thủ tướng giao UBND TP HCM xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và trả lời cho Hiệp hội.

Phản ánh với lãnh đạo Bộ Giao thông tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp sáng 11/3, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM cho biết Uber được cấp phép hoạt động ngành nghề tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường song hãng này đang điều hành mạng lưới vận tải với hàng nghìn lái xe tại TP HCM, người giới thiệu thêm xe tham gia Uber được thưởng 500.000 đồng.

Cũng theo ông Hỷ, mạng lưới do Uber điều hành là taxi dù, mỗi khi thanh tra giao thông chặn bắt thì toàn bộ mạng của hãng ngưng hoạt động. Các xe có nhiều "không": không đồng hồ, không giá cước, lái xe không được tập huấn, không chứng minh được xe kinh doanh vận tải.

Do đó, lãnh đạo Hiệp hội taxi kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông chấm dứt hoạt động của Uber tại Việt Nam cho đến khi hãng này chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Uber là loại hình dịch vụ vận tải thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng trên smartphone để kết nối giữa người cần di chuyển và người lái xe. Tuy nhiên, những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác, điều này đã tạo nên cuộc tranh cãi giữa nhiều hãng taxi trong nước với đơn vị cung cấp dịch vụ này. Thủ tướng phải giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND TP HCM giải quyết kiến nghị của Hiệp hội taxi liên quan đến việc xem xét, cân nhắc thời điểm cho phép Uber hoạt động tại Việt Nam.

Huyền Thư

Lượt xem: 1,609