You are here

Tôm hùm rớt giá gần 1 triệu đồng một kg

Tôm hùm rớt giá gần 1 triệu đồng một kg

Từ mờ sáng, ông Nguyễn Chí Lem tất bật lo thức ăn cho 7.000 con tôm trong 90 lồng bè thả ở vùng biển thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Chi phí thức ăn mất từ 7-9 triệu đồng một ngày nhưng giá tôm giảm mạnh khiến ông Lem như ngồi trên đống lửa.

Ông Lem cho hay giá một tôm hùm loại 1 cuối năm 2014 từ 1,8-2 triệu đồng, đầu năm 2015 còn lên tới 1,7-1,8 triệu đồng nhưng đến nay rớt xuống còn khoảng 1,2-1,25 triệu đồng một kg. Như vậy, mỗi kg tôm mất giá từ 400.000-750.000 đồng. Với giá này, những ai mua giống từ 500.000-520.000 đồng một con cầm chắc lỗ vốn. Những ai mới nuôi, giá giống dao động từ 250.000-450.000 đồng một con thì phập phồng, bất an. Khổ nhất là tôm đã đến kỳ xuất bán nhưng lại bỏ ăn, chết vì các bệnh đỏ thân, sữa, đen mang...

tom-hum-9764-1428807296.jpg

Một chủ đầu nậu thu mua tôm hùm ở tỉnh Khánh Hòa.

Gia đình ông Lê Ngoan (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thanh) thả 3.000 tôm giống từ đầu năm với chi phí gần 1,5 tỷ đồng nhưng đã bị chết gần một phần ba. Mỗi buổi sáng, ông lặn cho ăn, kiểm tra, vớt được khoảng 4-5 con bị bệnh, vị chi mất trắng 4-5 triệu đồng. “Nuôi tôm như đánh bạc. Vụ được, vụ mất nhưng 2 năm trở lại đây, tôm chết liên tục, tỷ lệ hao hụt lớn làm nhiều người điêu đứng”, ông Ngoan nói.

Gia đình bà Huỳnh Thị Thiền (xã Vạn Thắng) cũng vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để nuôi tôm nhưng giá tôm hạ rồi bệnh nhiều khiến gia đình lỗ nặng. Ngân hàng nhiều lần đòi tịch biên tài sản buộc bà Thiền phải bán đất trả nợ.

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, thời gian gần đây tôm bị nghi bệnh sữa, đỏ thân chết rải rác với mật độ 1-3 con một lồng, trung bình mỗi tháng có từ 250-400 con chết. Tôm chết cỡ 0,3-0,6 kg giá chỉ 300.000-500.000 đồng một kg. Nghề tôm hùm còn gọi là nghề nuôi khơi vì phụ thuộc dòng hải lưu. Nếu gặp dòng hải lưu nóng, tôm rất dễ bệnh nên ngư dân phải canh con nước để đưa lồng lên xuống tránh nóng.

Bà Trần Thanh Thúy, Phó trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết năm 2007, nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa gặp “địa chấn” bệnh sữa khiến 60% tôm chết. Từ đó, bệnh này thường xuyên trở lại, năm nào cũng gây thiệt hại cho ngư dân.

Ngoài ra, thị trường chủ yếu của nông dân là Trung Quốc, xuất theo đường tiểu ngạch nên rất khó để quản lý về giá cả. Điển hình vào năm 2012, nghề nuôi tôm lỗ nặng khi rớt giá gần 3 lần, từ 2,4 triệu đồng xuống còn 800.000 đồng một kg vì thị trường Trung Quốc ngừng tiêu thụ.

Người dân hoàn toàn mù mờ về thị trường, tất cả phụ thuộc vào chủ vựa, đầu nậu. Bà Huỳnh Thị Hường có 90 lồng tôm ở xã Vạn Thạnh cho biết hiện đang là thời gian chính vụ thu hoạch tôm hùm nên người nuôi bị chủ đầu nậu ép giá. Giá chỉ còn 1,2 triệu đồng nhưng muốn lấy tiền ngay thì phải mất thêm 20.000-30.000 đồng, còn lấy đúng số tiền thỏa thuận thì phải đợi vài ngày, có khi cả tuần.

“Mỗi lần bán tôm ai cũng hồi hộp, lo âu. Khi bắt tôm, họ chê nhỏ, to đủ kiểu. Giá cả thì một tay chủ nậu hô. Khi dân bán tôm loại 2, loại 3 thì họ nói thị trường Trung Quốc cần tôm loại 1. Dân để tôm nuôi lớn mới bán thì họ lại nói cần loại 2, loại 3. Chúng tôi không biết thị trường như thế nào nên họ nói sao nghe vậy”, bà Hường kể.

Theo một chủ vựa ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, giá tôm hùm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên dịp Tết Nguyên đán nhu cầu lớn thì giá tôm cao. Ngược lại, bây giờ nhu cầu giảm nên giá thấp. Bên cạnh đó, chính ngư dân tự làm khó mình khi thấy năm nay tôm giống nhiều, giá rẻ hơn 150.000-200.000 đồng một con nên đua nhau bán non tôm để mua giống nuôi vụ mới, dẫn đến lượng tôm tồn rất nhiều. Một số nước trong khu vực cũng đang nhập khẩu vào Trung Quốc với giá thấp hơn giá tôm Việt Nam nên phải hạ giá tôm để cạnh tranh.

Ở huyện Vạn Ninh hiện có 3 vựa lớn chuyên thu mua tôm hùm xuất khẩu đi Trung Quốc, thị xã Ninh Hòa có 1 vựa, Nha Trang 2 vựa, Cam Ranh 3 vựa. Xung quanh vựa lớn có hàng chục đầu nậu nhỏ vệ tinh. Chính khâu trung gian nhiều nên chủ vựa, đầu nậu thường ép giá ngư dân để kiếm lời. Các chủ vựa thường ít hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước nên rất khó biết được chính xác đường dây xuất khẩu tiểu ngạch như thế nào.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần đề xuất các sở - ngành cần quản lý chặt chẽ các nậu vựa, hạn chế khâu trung gian; thành lập trung tâm đấu giá thủy sản để bảo đảm quyền lợi cho ngư dân; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch, đứng ra liên kết với người nuôi, thu mua tôm trực tiếp từ hộ nuôi để ổn định giá cả. Bên cạnh đó, tuyên truyền người nuôi tôm nên giãn thời gian nuôi, tránh dồn vào một vụ bởi khi sản lượng thu hoạch nhiều rất dễ bị ép giá...

Theo Người lao động

Lượt xem: 1,504