You are here

Tiến sĩ trẻ khởi nghiệp với phần mềm kiểm soát bệnh tiểu đường

Tiến sĩ trẻ khởi nghiệp với phần mềm kiểm soát bệnh tiểu đường

Anh Chử Đức Hoàng sinh năm 1981 tại Đông Anh (Hà Nội). Tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội năm 2004, anh được giữ lại làm việc tại Viện Điện tử Viễn thông với chuyên ngành Kỹ thuật Y sinh.

Hơn 10 năm giảng dạy và nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe giúp anh có trải nghiệm về lĩnh vực này. Ý tưởng về ứng dụng công nghệ hỗ trợ bệnh nhân chủ động kiểm soát tình trạng sức khỏe xuất phát từ thưc tế có 250 triệu lượt tìm kiếm trên internet về các bệnh lý mỗi tháng. Trong đó, hơn 80% các từ khóa tìm kiếm tập trung vào 15 nhóm bệnh cơ bản và 8 loại bệnh đang phổ biến trong xã hội hiện đại.

tien-si-tre-khoi-nghiep-voi-phan-mem-kiem-soat-benh-tieu-duong

 Anh Hoàng dự kiến năm 2016 sẽ thương mại hóa thiết bị kiểm soát tiểu đường tại thị trường nội địa và quốc tế.

Anh bắt đầu thử nghiệm giải pháp liên quan tới một số bệnh song đều thất bại vì chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế. Tiếp tục với bệnh nhân tiểu đường, anh nhận thấy đây là một trong số bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn có thể duy trì cuộc sống thêm 12-30 năm nếu được hỗ trợ điều trị tích cực.

"Chi phí 20.000 đồng mỗi ngày cho 3 lần đo đường huyết bằng que thử khiến người bệnh tốn kém nếu duy trì việc theo dõi đường huyết theo chỉ định của bác sĩ trong thời gian dài. Một chiếc máy đo đường huyết không xâm lấn sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thuận tiện và không gây đau cho người bệnh", anh nói.

Giải thích thêm về cơ chế hoạt động, anh cho biết phần mềm được ứng dụng cho phép bệnh nhân tiểu đường cũng như người thân cập nhật các thông số về đường huyết, insulin, huyết áp và các chỉ số sức khỏe hàng ngày. Từ đó, bác sĩ có thể theo dõi, chẩn đoán được tình trạng sức khỏe của người bệnh 24/24 giờ thông qua smartphone và website.

Sau thời gian nghiên cứu tìm hiểu thị trường, tháng 9/2014, anh Hoàng cùng 5 thành viên khác thành lập Công ty Zinmed bằng nguồn tiền làm thêm, khoản tiết kiệm của cá nhân và một phần vay của người thân. Không lâu sau đó, nguồn vốn ít ỏi cạn kiệt, trong khi sản phẩm vẫn chưa hoàn thiện, anh tiếp tục vay mượn bạn bè đến khi không còn ai để vay.

Sau thời gian thử nghiệm phần mềm đã được một số giải thưởng về ứng dụng công nghệ thông tin. Nhờ đó, anh có cơ hội tiếp cận với một số quỹ đầu tư start-up cả trong và ngoài nước. Dù vậy, vị tiến sĩ trẻ tuổi cũng gặp phải không ít khó khăn khi điều hành một công ty khởi nghiệp. Tuyển lựa nhận sự, tìm cộng sự cùng tâm huyết nhưng có thể chấp nhận nợ lương vài tháng là điều không hề dễ dàng.

"Khi đó, một thành viên của dự án phải kiêm rất nhiều việc vừa viết code, vừa design và vừa là nhân viên marketing. Bản thân mình cũng chính là người thiết kế lên logo công ty vì không có tiền đi thuê", anh nhớ lại.

Đáng kể hơn cả là áp lực từ gia đình. Khi sản phẩm vẫn còn trong giai đoạn phát triển, hàng tháng trời doanh thu bằng 0. Nhiều người khuyên nhủ nên chuyên tâm công việc nghiên cứu khiến không ít lần anh đã muốn từ bỏ dự án.

Sau hơn một năm thử nghiệm bằng cách cho bệnh nhân dùng ứng dụng miễn phí, cung cấp cho các phòng khám nội tiết phần mềm quản lý phòng khám, kết hợp với đối tác để cung cấp các sản phẩm dịch vụ với chi phí hợp lý, công ty của anh bắt đầu có doanh thu dù chưa cao như kỳ vọng. Ứng dụng công nghệ dành cho người bệnh, song nguồn thu chính mà anh hướng đến là các nhà thuốc và phòng khám.

tien-si-tre-khoi-nghiep-voi-phan-mem-kiem-soat-benh-tieu-duong-1

Mô phỏng thiết bị kiểm soát tiểu đường không xâm lấn thông qua phần mềm theo dõi bằng điện thoại di động.

Ngoài việc mở rộng ứng dụng phần mềm, lúc này anh Hoàng và cộng sự đang nghiên cứu để đưa ra thị trường máy đo tiểu đường không xâm lấn. Thiết bị này giúp đo tiểu đường không sử dụng que thử hay thiết bị lấy máu hỗ trợ, phù hợp với người già, trẻ nhỏ bị bệnh. Với giá thành sản xuất rẻ, anh tự tin về khả năng cạnh tranh với các thiết bị thiết bị cùng cấu hình hiện có, trong đó là các sản phẩm của khu vực ASEAN và Ấn Độ.

"Chúng tôi đang chạy đua với công ty khác trên thế giới để hoàn thiện thiết bị đo nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm thời gian sớm nhất", anh Hoàng cho hay.

Dự kiến  năm 2016, anh sẽ thương mại hóa sản phẩm đo tiểu đường không xâm lấn "Made in Vietnam" không chỉ tại thị trường trong nước mà quốc tế. Cùng đó, anh sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, kết nối mạng lưới bác sĩ, cộng tác viên để nhiều bệnh nhân tiểu đường có thể chủ động tiếp cận được các giải pháp kiểm soát bệnh tiểu đường.

Đánh giá về quá trình khởi nghiệp của mình, anh cho rằng lúc này dự án vẫn đang ở ranh giới thành-bại. Muốn thành công, theo anh, sản phẩm phải có và được xã hội chấp nhận, có doanh thu đảm bảo cân bằng chi phí và lợi nhuận nhưng đồng thời phải duy trì được các yếu tố y đức và cộng đồng.

Thành Tâm

Lượt xem: 1,302