You are here

Thủ tướng: 'VN là cầu nối kinh tế ASEAN lục địa với hải đảo'

Thủ tướng: 'VN là cầu nối kinh tế ASEAN lục địa với hải đảo'

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM 10) tổ chức tại Milan (Italia), sáng ngày 16/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu đã tham gia cuộc họp cấp cao không chính thức ASEAN - EU. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đồng chủ trì một cuộc họp cấp cao giữa hai khu vực, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến chuyển quan trọng, quan hệ hợp tác ASEAN - EU nói chung, Việt Nam - EU nói riêng phát triển tích cực và là đối tác thương mại quan trọng của nhau.

Về kinh tế, hai bên nhất trí sớm nối lại đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) ASEAN - EU sau năm 2015; gia tăng kết nối về cả hàng không, hàng hải, đường bộ; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. EU cũng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ ASEAN trong xây dựng cộng đồng, nhất là trong những lĩnh vực mà ASEAN ưu tiên như thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực bộ máy điều hành.

thu-tuong2-4038-1413517079.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10). Ảnh: VGP

Sau sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng nước chủ nhà Italia, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Thủ tướng Nhật Bản và Malaysia cùng khoảng 800 đại diện của các tập đoàn hàng đầu đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu (AEBF) lần thứ 14.

Tại đây, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh triển vọng hình thành các tầng nấc liên kết kinh tế mới ở châu Á cùng việc hình thành Cộng đồng ASEAN năm 2015 đang mở ra thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho khu vực Đông Nam Á. Và trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên mọi tầng nấc, Việt Nam không chỉ trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á, mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo.

Với triển vọng triển khai và hoàn tất 14 hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 56 đối tác, trong đó có 47 nước thành viên ASEM. "Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam nâng tầm đóng góp vào liên kết Á-Âu và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới, to lớn cho các doanh nghiệp hai châu lục đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam", ông phát biểu.

Cũng tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo ASEM đề nghị các doanh nghiệp cần đồng hành với Chính phủ tăng cường các luồng thương mại và đầu tư, bảo đảm an toàn và an ninh lương thực và nguồn nước, an ninh năng lượng, phát triển công nghệ xanh, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên và tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai châu lục.

Chiều cùng ngày, Hội nghị cấp cao ASEM 10 đã chính thức khai mạc với chủ đề “Đối tác trách nhiệm vì tăng trưởng và an ninh bền vững”. Hội nghị sẽ đề ra những biện pháp đẩy mạnh hợp tác trên cả 3 trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất ASEM cần xác định phát triển bền vững là nội hàm quan trọng của hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó con người phải là mục tiêu và là trung tâm. Cộng đồng cần có tư duy phát triển mang tầm toàn cầu và cách tiếp cận liên ngành, đổi mới và sáng tạo về an ninh về lương thực - nguồn nước - năng lượng trước thực trạng biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức trở nên phức tạp và khó lường.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn cần quan tâm thỏa đáng việc tham gia, hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, đặc biệt là hợp tác Mekong-Danube và tăng cường nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển. Ngày 17/10, Hội nghị cấp cao ASEM 10 sẽ tiếp các hoạt động, trong đó có phiên họp về “Tăng cường đối thoại và hợp tác Á-Âu và tương lai ASEM”.

Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM 10) diễn ra từ ngày 16 - 17/10 với sự tham gia lãnh đạo cấp cao của 53 thành viên gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) cùng Ban Thư ký ASEAN. Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để trao đổi về những vấn đề trên Biển Đông và hợp tác kinh tế.

Năm 2013, tổng kim ngạch thương mại ASEAN - EU đạt 242,6 tỷ USD, chiếm 10% tổng thương mại với ASEAN. EU là một trong các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào ASEAN với số vốn đạt 23,3 tỷ USD, chiếm gần 22% tổng vốn đầu tư vào khu vực.

Phương Linh

Lượt xem: 2,128