You are here

Tập đoàn, tổng công ty phải kiểm toán trước khi bán cổ phần

Tập đoàn, tổng công ty phải kiểm toán trước khi bán cổ phần

Nội dung nêu trên vừa được nêu trong văn bản do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa uỷ quyền Thủ tướng ký. Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước có vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hoá nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp này cũng buộc phải xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá doanh nghiệp, theo quy định tại Nghị định 59 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần và Nghị định 189 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59.

tap-doan-tong-cong-ty-phai-kiem-toan-truoc-khi-ban-co-phan

Các doanh nghiệp Nhà nước quy mô vốn lớn phải được kiểm toán định giá trước khi cổ phần hoá.

Các trường hợp cần thiết khác không phân biệt quy mô vốn chủ sở hữu, Thủ tướng đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các trường hợp thí điểm thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam, thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm và sử dụng kết quả này thực hiện chào bán cổ phần ra quốc tế, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/9.

Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, đến hết tháng 6/2016, cả nước đã cổ phần hóa được 39 doanh nghiệp Nhà nước (trong đó có 6 tổng công ty lớn) và 2 đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện sắp xếp theo hình thức khác 12 doanh nghiệp; có 9 doanh nghiệp giải thể, phá sản 1 doanh nghiệp và bán 1 doanh nghiệp. 

Riêng số vốn hơn 907 tỷ đồng (theo giá trị tài sản) tại 3 tập đoàn, tổng công ty lớn là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty lương thực miền Bắc và Hà Nội và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã  bán và thu về hơn 2.830 tỷ đồng.

Để đưa số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước giảm về dưới 200 trong 4 năm tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn một loạt doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch và xây dựng…

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có ý kiến về việc bán vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco); chủ trương bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 công ty, trong đó có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Thủ tướng yêu cầu trước khi bán vốn Nhà nước phải đưa Habeco, Sabeco lên sàn chứng khoán, đấu giá quốc tế trong nước, công khai để chống lợi ích nhóm và bảo toàn tối đa tài sản Nhà nước...

Lượt xem: 2,573