You are here

Samsung - Apple: Hóa thù thành bạn

Samsung - Apple: Hóa thù thành bạn

Mối quan hệ giữa Apple và Samsung Electronics đang tan băng sau cuộc chiến khởi xướng bởi Steve Jobs vài năm trước. Nó khiến hai đồng minh một thời đi đến chỗ phải chấm dứt các hợp đồng cung cấp hấp dẫn để lao vào những cuộc chiến pháp lý đắt đỏ.

Tháng 8/2014, CEO Apple – Tim Cook đồng ý hạ nhiệt cuộc chiến bản quyền với Samsung. Hai công ty còn đang tái hợp tác trong các sản phẩm mới. Samsung sẽ sản xuất chip cho thế hệ iPhone mới, cũng như làm màn hình cho các sản phẩm khác của Apple. Hãng đã lên ngân sách 14 tỷ USD cho các nhà máy và thiết bị mới, được kỳ vọng là để đáp ứng khách hàng mới này.

SS-apple-4838-1430540166.jpg

Samsung - Apple đang dần rời bỏ cuộc chiến pháp lý để tiến tới hợp tác. Ảnh: Phone Arena

Từ mối quan hệ đồng minh này, Apple sẽ được tiếp cận một trong những dây chuyện sản xuất chip lớn và tinh vi nhất thế giới, giúp họ duy trì vị thế cạnh tranh. Đổi lại, Samsung cũng có các đơn hàng mới quan trọng cho mảng sản xuất chip, để bù đắp cho lợi nhuận mảng di động đang suy giảm. Việc này sẽ gây áp lực lên các đối thủ khác cùng ngành, như hãng chip TSMC và SanDisk.

Ngày 29/4, Samsung công bố báo cáo kinh doanh quý I. Trong đó, lợi nhuận tất cả các mảng đều tăng. Ngược lại, TSMC - hãng sản xuất chip chính cho các phiên bản iPhone trước lại đang cắt giảm kế hoạch chi tiêu. "Samsung đã quay lại báo thù trong thị trường chip xử lý. Khi nhìn vào năng lực sản xuất của họ, anh có thể thấy họ đang đầu tư một số tiền khổng lồ", Betsy Van Hees – nhà phân tích tại Wedbush cho biết.

Một nạn nhân nữa của mối quan hệ hợp tác Apple - Samsung là SanDisk - hãng làm chip nhớ cho iPhone, iPad và Mac. Ngày 15/3, hãng công bố dự báo lợi nhuận thấp hơn nhiều so với giới phân tích ước tính. SanDisk lý giải việc này do giá thấp, sản phẩm bị hoãn giao hàng và mất khách. Apple được cho là một trong những khách hàng này, do đã chuyển sang Samsung để đặt ổ đĩa dùng trong nhiều máy Mac mới.

"Đấu với Samsung chưa bao giờ là dễ dàng. Họ đã lấy đi miếng cơm của SanDisk tại Apple", Daniel Amir – nhà phân tích tại Ladenburg Thalmann nhận xét.

Apple đến nay vẫn là khách hàng lớn nhất của SanDisk, đóng góp 19% doanh thu hãng này, theo Bloomberg. Micron Technology, SK Hynix, AU Optronics và TSMC cũng đều xếp Apple trong danh sách top 3 khách hàng lớn nhất và cạnh tranh trực tiếp với Samsung tại các thị trường tương ứng.

Dù vậy, kể cả khi sản xuất chip cho Apple, Samsung cũng vẫn tiếp tục làm smartphone riêng. Hai sản phẩm mới nhất của hãng - Galaxy S6 và S6 Edge đã chính thức bán ra từ ngày 10/4 và đang nhận được nhiều phản hồi tốt. Tuy nhiên, họ vẫn có nhiều lý do để tái tập trung vào mảng sản xuất chip. Đến tháng 6/2014, mảng di động đóng góp 60% lợi nhuận hoạt động cho công ty. Tỷ lệ này đã giảm mạnh xuống 37% cuối năm ngoái. Trong khi đó, mảng thiết bị bán dẫn dần leo lên với hơn 50%.

Dù đang mất thị phần vào tay các smartphone cao cấp của Apple, đại gia điện tử Hàn Quốc vẫn là hãng sản xuất linh kiện điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới cho đến năm 2014. Apple xếp thứ 2. Hai hãng này đóng góp khoảng 17% khoản chi cho chip nhớ toàn cầu, theo hãng nghiên cứu Gartner. Apple, Samsung cũng đóng góp 40% số smartphone bán ra, theo IDC. Nói cách khác, bạn rất khó tránh được sự hiện diện của họ.

Bên cạnh việc mất hợp đồng với Apple, các hãng chip còn lo lắng khi Samsung đang ngày càng tự cung tự cấp. Chiếc Galaxy mới nhất sử dụng chip xử lý, bộ nhớ, modem, chip xử lý hình ảnh do chính Samsung sản xuất. Trong khi đó, các sản phẩm trước còn nhờ cậy nhiều hãng khác. Samsung từ lâu đã cam kết không ưu tiên dùng hàng tự sản xuất nếu có hợp đồng tốt hơn bên ngoài. Tuy nhiên, tuyên bố này có vẻ đang dần phai nhạt.

Sau Apple, khách hàng lớn nhì của SanDisk chính là Samsung, theo số liệu của Bloomberg. Qualcomm – hãng chip điện thoại lớn nhất thế giới, đồng thời là hãng cung cấp linh kiện cho iPhone, cũng liệt Samsung và Apple vào nhóm khách hàng lớn nhất. Tuy nhiên, hãng đã không được sản xuất linh kiện cho Samsung trong hai thiết bị Galaxy S6 và S6 Edge. Galaxy Note sắp tới cũng sẽ không có chip của Qualcomm.

Chủ tịch Qualcomm - Paul Jacobs có lẽ đã có chiến lược lấy lại khách hàng. Họ thất bại trong việc giành hợp đồng cho Galaxy, một phần do các chip của hãng sử dụng quy trình sản xuất cũ hơn, làm hạn chế khả năng xử lý và ảnh hưởng đến tuổi thọ pin. Khi được hỏi về cách giành lại Samsung, Jacobs cho biết Qualcomm có thể chuyển sản xuất đến các nhà máy cao cấp hơn.

Tuy vậy, dù các điện thoại mới nhất của Samsung không sử dụng chip của Qualcomm, Jacobs và các lãnh đạo hãng chip khác vẫn nên cổ vũ sản phẩm này thành công. Vì nếu Samsung một lần nữa đe dọa Apple trong mảng smartphone, Cook có lẽ sẽ xem xét lại khả năng hợp tác với đối thủ này.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Lượt xem: 1,523