You are here
Ông Đoàn Văn Vươn nuôi vịt biển, trồng dược liệu
Ông Đoàn Văn Vươn nuôi vịt biển, trồng dược liệu
Trong buổi giao lưu trực tuyến do Báo điện tử Dân Việt tổ chức chiều 7/3, ông Đoàn Văn Vươn cho biết những ngày còn trong trại giam vẫn nuôi dự định làm lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản và chăn nuôi, hướng tới các sản phẩm sạch và an toàn.
"Tôi đã gắn bó với nông nghiệp khi còn nhỏ. Sau khi rời quân ngũ trở về, tôi vẫn theo nghề nông. Tôi đã đi học thêm Đại học Nông nghiệp để trang bị kiến thức. Đó vừa là thú vui vừa là đam mê", ông Vươn cho hay.
Khi ra khỏi trại giam, ông Vươn được người quen giới thiệu giống vịt biển do Trung tâm giống vịt Đại Xuyên nghiên cứu. Ông bắt tay vào nuôi thử 100 con thì thấy phát triển rất tốt. Sau đó, ông mua thêm 1.000 con giống và sau 2 tháng thì trọng lượng đã đạt 2kg.
"Tuy nhiên, khi đó vịt còn non, lượng mỡ còn nhiều nên tôi đã nuôi tiếp để điều chỉnh phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng", ông Vươn kể lại.
Ông Đoàn Văn Vươn đã bắt đầu tiếp thị sản phẩm vịt biển ra thị trường Hà Nội với mức giá 180.000 đồng một kg. Ảnh: Dân Việt |
Ông cũng cho biết quyết định chọn nuôi vịt biển vì loại gia cầm này thích nghi với điều kiện tự nhiên khu vực đầm của gia đình (nơi có nguồn nước thường xuyên biến động), sức chịu đựng bệnh tật, tăng trưởng nhanh, cho phép đáp ứng được quy trình chăn nuôi sạch, đảm bảo sản phẩm thịt ngon, trứng thơm.
Khi lứa vịt đầu tiên có được sản phẩm, một vài đơn vị đến thăm cơ sở muốn hợp tác với ông Vươn để phát triển loài vịt biển này, gồm cả cung ứng vốn, nuôi một cách ồ ạt. Tuy nhiên, ông từ chối vì muốn lựa chọn và tìm hiểu kỹ càng để tạo ra một sản phẩm bền vững, chứ không phải làm ăn một cách chụp giật.
Ông cũng cho biết khát vọng nghiên cứu để xây dựng thương hiệu vịt biển của riêng mình. Gần đây, ông đã mang giống vịt này lên Hà Nội để tiếp thị tới các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Hiện giá bán vịt tại trang trại 200.000 đồng mỗi con, trọng lượng khoảng 2,7 - 3kg. Ở thị trường Hà Nội, gia đình ông sẽ phân phối thông qua các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, được vẫn chuyển qua xe khách, mỗi ngày 2 chuyến.
"Cả vịt sống và vịt thịt sẵn, tôi đều sẵn sàng cung ứng. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 180.000 đồng một kg vịt đã làm sạch. Tôi muốn xây dựng một thương hiệu thực phẩm sạch, có trách nhiệm với cộng đồng và cạnh tranh được với bất cứ sản phẩm nông sản nhập khẩu nào khác khi Việt Nam gia nhập TPP", ông Vươn bày tỏ.
Tuy nhiên, ông cũng cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn để phát triển sản xuất nói chung và đầu tư vào một số hạng mục cho việc nuôi vịt biển. Nguồn cần đầu tư lớn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng, quy trình từ hệ thống sản xuất thức ăn, kho lạnh, chuồng trại, khu giết mổ, giống vịt… Trong đó, cấp bách nhất là khoảng 400 triệu để làm nhà cho đàn vịt đẻ gần 600 con và tái đàn. Tuy nhiên, việc vay vốn ngân hàng cũng không dễ dàng do ông Vươn không có tài sản thế chấp.
Bên cạnh vịt biển, ông cho biết vẫn tiếp tục nuôi tôm, cá, nhưng chỉ nuôi quảng canh vì số vốn hạn chế, đồng thời cũng để tránh rủi ro cao. Ngoài ra, ông cũng bắt đầu triển khai trồng cây dược liệu trên diện tích bờ đầm, cụ thể là cây sả.
"Một doanh nghiệp dược ở Hải Dương đã đến chỗ tôi cung ứng giống, hướng dẫn trồng thử nghiệm. Nếu thành công, hiệu quả kinh tế cao, tôi sẽ nhân rộng, tuyên truyền để bà con trong xã và các vùng lân cận cùng trồng để đạt được diện tích và sản lượng lớn. Khi đó, doanh nghiệp dược sẽ giúp tôi đầu tư mua thiết bị chiết xuất tinh dầu để bán cho họ. Tôi đã tìm hiểu và được biết tinh dầu sả rất quý, có thể sử dụng cho nhiều lĩnh vực như làm thuốc, làm bánh, mỹ phẩm...", ông Vươn chia sẻ.
Ông cho biết cây sả lại dễ trồng, không bị sâu bệnh. Vì vậy, ông nghĩ đây cũng sẽ là một hướng làm ăn có triển vọng nếu tuân thủ quy trình sản xuất, quản lý được chất lượng sản phẩm, sau đó là thị trường. "Tôi sẽ kết nối với các doanh nghiệp để làm thương mại cho các sản phẩm của mình, gồm cả vịt biển và dược liệu",
Trước đó, vào đầu năm 2012, UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng tổ chức cưỡng chế thu hồi hơn 19 ha đất đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn vì cho rằng gia đình ông không tự nguyện thi hành quyết định thu hồi đất. Khi một tổ công tác tiến vào khu đầm, ông Đoàn Văn Quý (em trai ông Đoàn Văn Vươn) đã nổ súng chống đối làm 7 công an, quân nhân bị thương. Vì vụ án trên, ông Vươn và ông Quý mỗi người bị phạt 5 năm tù.
Ngày 10/2/2012, sau cuộc họp với các bộ ngành, Thủ tướng kết luận, các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Vươn đều trái luật. Đây là vụ việc đáng tiếc, có vấn đề yếu kém của chính quyền huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang trong quản lý đất đai. Nhiều cán bộ huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang sau đó đã bị xử lý, có người bị xử lý hình sự.
Trong trại giam, ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý đã chấp hành tốt các quy định của trại giam, được Chủ tịch nước đặc xá dịp 2/9/2015 sau 3 năm 7 tháng 27 ngày thi hành án trong tù.
Kỳ Duyên