You are here
Nielsen: Cửa hàng tiện ích đe dọa chợ truyền thống
Nielsen: Cửa hàng tiện ích đe dọa chợ truyền thống
Báo cáo các xu hướng bán lẻ và nhu cầu mới của người mua hàng vừa được đơn vị nghiên cứu thị trường công bố cho thấy chợ và các cửa hàng tạp hóa truyền thống vẫn là kênh mua bán được đa số người Việt Nam yêu thích. Song, kênh bán lẻ này đang bị đe dọa trong những năm gần đây khi lượng khách hàng có xu hướng sụt giảm.
Theo Nielsen, nhu cầu về sự tiện ích ngày càng tăng mạnh tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Số lượng các cửa hàng tiện ích ngày càng gia tăng tác động lớn đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng thời gian qua. Cụ thể, so với năm 2012, số lượng cửa hàng tiện ích đã tăng gấp đôi từ 147 lên đến 348 cửa hàng năm 2014, trong khi đó chuỗi các siêu thị mini (minimart) cũng tăng từ 863 lên1452 cửa hàng.
Nhu cầu tiêu dùng nhanh khiến gia tăng số lượng các cửa hàng tiện ích thời gian qua. |
Đơn vị nghiên cứu thị trường cho biết nhu cầu tiêu dùng thay đổi phần lớn xuất phát từ những người trẻ tuổi có cuộc sống bận rộn. "Họ chủ yếu đến cửa hàng tiện ích để mua sắm thực phẩm hằng ngày. Đây chính là yếu tố then chốt cho sự phát triển nhanh chóng của chuỗi cửa hàng tiện ích", báo cáo cho hay.
Có đến 22% người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên mua thực phẩm và hàng tạp hóa tại kênh bán hàng tiện ích thường. Do vậy, thực phẩm là sản phẩm giúp kênh bán hàng này gia tăng doanh thu. Đa số khách hàng mua cả thức ăn lẫn đồ uống tại kênh này thay vì chọn một món.
Ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết tiện ích không chỉ đơn thuần để nói về cửa hàng mà còn là một phong cách sống. Người tiêu dùng đang ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về sản phẩm và các dịch vụ có thể đáp ứng được những nhu cầu do cuộc sống bận rộn của họ.
“Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển tuy mới nhưng rất mạnh mẽ của cửa hàng tiện ích và thương mại điện tử tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng”, ông cho biết.
Theo vị này, để thích nghi các nhà bán lẻ phải tìm hiểu kỹ hơn về hành vi của người mua hàng và có chiến lược kinh doanh để tạo sự khác biệt, trong đó quan tâm đến một số tiện ích sẵn có như: thực phẩm chế biến sẵn, sản phẩm tươi sống, giá cạnh tranh và các dịch vụ đi kèm. Đây cũng chính là những yếu tố giúp các đơn vị có thể giành lợi thế trong cuộc chiến bán lẻ đầy cạnh tranh hiện nay.
Thành Tâm