You are here

Những điều cần biết về khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc

Những điều cần biết về khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc

Giới chức nước này cảnh báo đang có "tâm lý hoảng loạn" trên thị trường. Một vài người nói đến chuyện chứng khoán nước này sụp đổ sẽ khiến cả thế giới chịu hậu quả hơn cả khủng hoảng Hy Lạp.

Hôm qua được coi là Ngày thứ Tư đen tối của thị trường Trung Quốc. Đầu phiên, Shanghai Composite Index mất tới 8,2% - mạnh nhất từ năm 2007. Hơn 1.300 công ty đã phải ngừng giao dịch để ngăn giá cổ phiếu có thể giảm mạnh hơn.

Thị trường phát tín hiệu hồi phục hôm nay. Shanghai Composite Index tăng tới 5,76%. Giới phân tích cho rằng lệnh cấm cổ đông lớn của các công ty (nắm trên 5% cổ phần) bán cổ phiếu trong vòng 6 tháng đã hỗ trợ thị trường.

Xinhua cũng cho biết cảnh sát nước này đang điều tra "hoạt động bán khống nguy hiểm" trên thị trường chứng khoán. Giới chức cam kết sẽ tìm ra các hoạt động phạm pháp liên quan đến giao dịch.

CNN đã điểm lại những vấn đề đáng chú ý quanh đợt lao dốc của chứng khoán Trung Quốc.

1. Tại sao cổ phiếu lại mất giá?

china-2-jpeg-1598-1436432507.jpg

Một nhà đầu tư Trung Quốc đang theo dõi thông tin cổ phiếu. Ảnh: Reuters

Đầu năm nay, chứng khoán Trung Quốc đã lộ ra rất nhiều dấu hiệu căn bản của bong bóng. Từ các cụ bà, lái xe taxi đến học sinh đều có thể kiếm tiền từ hoạt động lướt sóng trên sàn giao dịch. Bên cạnh đó, đà tăng cũng đến vào thời điểm nền kinh tế nói chung đang chậm lại, khiến các nhà phân tích tài chính lúng túng khi tìm hiểu nguyên nhân.

Và hậu quả tất yếu là bong bóng sẽ vỡ khi quá căng. "Chứng khoán Trung Quốc chẳng liên quan đến với tình hình kinh tế nước này, và rõ ràng đã bị định giá quá cao", Patrick Chovanec - Giám đốc Điều hành tại Silvercrest Asset Management cho biết.

2. Trung Quốc đã làm gì để cứu thị trường?

Dù nhiều nhà phân tích cho rằng thị trường chứng khoán đang trải qua "đợt điều chỉnh" rất cần thiết, Chính phủ Trung Quốc vẫn muốn ngăn đà bán tháo để hỗ trợ giá cổ phiếu. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã giảm lãi suất xuống thấp kỷ lục, các công ty môi giới cam kết mua hàng tỷ USD cổ phiếu và giới chức cũng ngừng cho phép các công ty thực hiện IPO.

Dong Tao - kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Credit Suisse cho rằng Bắc Kinh lo sợ đà bán tháo trên thị trường sẽ làm giảm tiêu dùng, do những người giao dịch thua lỗ sẽ khó có khả năng đi mua sắm và chi tiêu. Dù vậy, nhà đầu tư rõ ràng không mấy tin tưởng vào các nỗ lực của Chính phủ, khi xu hướng chung của thị trường vẫn là đi xuống.

3. Việc này ảnh hưởng thế nào đến thế giới?

Rất ít nhà đầu tư nước ngoài được tiếp xúc trực tiếp với thị trường chứng khoán nước này. Theo Capital Economics, chỉ 1,5% cổ phiếu Trung Quốc được nắm giữ bởi khối ngoại, do Trung Quốc vẫn hạn chế đầu tư từ nước ngoài.

Điều thế giới lo ngại thực sự là ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán sang nền kinh tế lớn nhì toàn cầu. Nguy cơ từ Trung Quốc đã khiến giá các loại hàng hóa như quặng sắt hay đồng liên tục đi xuống trong tuần này. Về dài hạn, thị trường Trung Quốc trục trặc cũng sẽ kéo theo nhiều nước đối tác thương mại, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ hay Australia.

4. Người Trung Quốc chịu ảnh hưởng thế nào từ việc này?

Dân thường Trung Quốc là những nạn nhân lớn nhất của việc này. Hàng triệu người đã lao vào thị trường chứng khoán sau khi quy định về giao dịch ký quỹ (vay tiền để mua cổ phiếu) được nới lỏng. "Tôi biết có người đã bán cả nhà để đầu tư chứng khoán. Giờ thì họ xong rồi", một người đàn ông cho biết trên CNN.

Tuy nhiên, nếu so với đầu năm, hai chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc vẫn tăng. Các nhà kinh tế học cũng cho biết cổ phiếu chỉ chiếm 15-20% tài sản các hộ gia đình nước này. Vì vậy, việc này sẽ không quá ảnh hưởng đến chi tiêu của họ.

5. Lãnh đạo Trung Quốc nghĩ gì?

Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc chính là thách thức rất lớn với các lãnh đạo cấp cao nước này. "Họ đang đặt cược uy tín của mình. Nếu mọi người thấy Chính phủ đã làm nhiều việc thế rồi, mà thị trường vẫn tiếp tục đi xuống, họ sẽ nghĩ rằng Chính phủ không kiểm soát được nền kinh tế tốt như họ nghĩ", Chovanec cho biết.

Các biện pháp mạnh tay Bắc Kinh đã áp dụng để ngăn đà bán tháo cũng có thể làm suy giảm niềm tin vào cam kết cải tổ thị trường của Trung Quốc. "Chính phủ muốn đảo ngược chuyển động hiện tại. Đây đâu phải là chính sách thuận theo thị trường đâu. Nó là bước lùi cho thị trường vốn Trung Quốc thì đúng hơn", Dong cho biết.

Hà Thu (theo CNN)

Lượt xem: 1,306