You are here

Những công việc khó kiếm hơn cả vào Harvard

Những công việc khó kiếm hơn cả vào Harvard

Harvard là một trong những trường đại học uy tín nhất thế giới. Mỗi năm, tỷ lệ sinh viên trúng tuyển vào trường chỉ khoảng 6-7% trên tổng số đơn xin học. Tại đây, các sinh viên không chỉ có điểm số cao, thành tích xuất sắc mà còn có sự vượt khó đáng nể.

Tuy nhiên, tờ Businese Insider mới đây đã điểm ra một số vị trí còn khó kiếm hơn cả việc được nhận vào trường đại học danh tiếng này.

1. Công việc tại Wal-Mart

walmart-4879-1411283471.jpg

Tỷ lệ trúng tuyển tại cửa hàng Wal-Mart ở Washington, D.C chỉ là 2,6%. Ảnh: Getty

Cuối năm 2013, bất chấp những cuộc biểu tình, tập đoàn bán lẻ Wal-Mart vẫn nhận được 23.000 đơn xin việc tại cửa hàng ở Washington, D.C, dù họ chỉ có nhu cầu thuê 600 người, tương đương tỷ lệ được nhận chỉ là 2,6% - bằng gần một nửa tỷ lệ chọi vào Havard.

Các sinh viên tốt nghiệp trường Harvard mong muốn có thu nhập 6 con số (tính bằng đôla Mỹ), còn Wal-Mart trả cho nhân viên trung bình 11,8 USD một giờ, tương đương gần 25.000 USD mỗi năm.

2. Chuyên viên phân tích tại Goldman Sachs

goldman-5139-1411283471.jpg

Goldman Sachs luôn nằm trong danh sách những doanh nghiệp đáng làm nhất thế giới.

Năm 2013, Goldman Sachs nhận được hơn 43.000 đơn xin việc cho 1.900 vị trí chuyên viên phân tích, đạt tỷ lệ 4,4%. Cũng không quá ngạc nhiên khi quá nhiều người mong muốn làm việc tại tổ chức tài chính này, bởi Goldman luôn lọt vào top 100 nơi làm việc lý tưởng nhất do tạp chí Fortune bình chọn từ năm 1984.

Theo Glassdoor, thu nhập trung bình của chuyên gia phân tích tại công ty này khoảng 63.000 USD mỗi năm.

3. Mật vụ Nhà Trắng

obama-4873-1411283472.jpg

Mật vụ tại Mỹ được tuyển chọn khắt khe.

Bảo vệ Tổng thống Mỹ không phải là công việc dành cho bất kỳ vệ sĩ, nhân viên an ninh nào. Trách nhiệm của một mật vụ là phải nhanh nhạy, bí mật và theo sát Tổng thống cũng như gia đình 24/24 giờ, 7 ngày trong một tuần. Ngoài ra, các quan chức Chính phủ khác như Phó tổng thống và gia đình cũng được bảo vệ, kể cả khi họ không còn công tác.

Vì các nguyên nhân trên, trong năm 2011, chỉ có khoảng 1% trong tổng số 15.600 người được tuyển làm mật vụ tại Nhà Trắng.

4. Công việc tại McDonald's

mc-donald-8345-1411283472.jpg

Đôi khi kiếm việc tại McDonald cũng rất khó khăn.

Có những thời điểm, bạn sẽ thấy kiếm được công việc tại chuỗi nhà hàng bán đồ ăn nhanh McDonald's còn khó hơn việc giành được một chỗ ngồi trên giảng đường đại học Harvard. Năm 2011, McDonald's đã tổ chức một hội chợ việc làm khổng lồ nhằm mục tiêu tuyển 50.000 nhân viên mới. Kết quả là số tuyển dụng được lên tới 62.000, tức cao hơn nhu cầu 24%.

Tuy nhiên, trước đó đã có khoảng một triệu người tham gia hội chợ này, cho thấy dù nhận thêm chỉ tiêu nhưng tỷ lệ chọi để là nhân viên của McDonald's dịp này chỉ là 6,2%. Trong khi đó, cùng năm Harvard có tỷ lệ đỗ khoảng 7%.

5. Nhân viên tại cửa hàng của Apple

apple-7120-1411283472.jpg

Trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng của Apple là mơ ước với nhiều người.

Năm 2009, cửa hàng đầu tiên của Apple trên khu phố Upper West Side (New York, Mỹ) khai trương. Trong số 10.000 đơn ứng tuyển, chỉ có 200 người nhận được việc làm, tương ứng với tỷ lệ rất thấp (2%).

Điều này cho thấy Harvard có thể được biết đến như một nơi đào tạo nên các thiên tài, nhưng "Genius Bar" - quầy chăm sóc khách hàng của Apple còn hơn cả như thế.

6. Tiếp viên hãng hàng không Delta

delta-5820-1411283472.jpg

Ngoại ngữ là yếu tố hàng đầu với tiếp viên hàng không.

Bạn có ít hơn 1% cơ hội được trở thành tiếp viên trên chuyến bay mang nhãn hiệu Delta của Mỹ. Năm 2010, Delta - hãng hàng không lớn thứ hai thế giới nhận được 100.000 đơn xin việc, mà nhu cầu chỉ là 100. Năm 2013, số đơn xin việc là 44.000 cho 400 người.

7. Công việc tại Google

google-2421-1411283472.jpg

Google là một trong những công ty công nghệ hấp dẫn với nhiều kỹ sư IT.

Sau khi rời Microsoft năm 2009, Don Dodge trở thành một nhân viên của Google. Cùng năm, Dodge đã đăng một bài viết dài về quá trình tuyển dụng trên blog cá nhân. Trong đó, anh cho biết Google nhận được 1 triệu đơn xin việc mỗi năm, nhưng chỉ thuê 1.000-4.000 người. Nghĩa là trong kịch bản tốt nhất, chỉ có 0,4% số ứng viên được nhận vào làm tại đây.

Mỗi cá nhân sẽ phải vượt qua cuộc sàng lọc lý lịch cá nhân, 2-3 cuộc phỏng vấn qua điện thoại và sau đó là trực tiếp đối mặt với khoảng 4-5 người khác.

Huyền Thư

Lượt xem: 2,014