You are here
Nhập tôn Trung Quốc tăng đột biến, Việt Nam điều tra áp thuế tự vệ
Nhập tôn Trung Quốc tăng đột biến, Việt Nam điều tra áp thuế tự vệ
Bộ Công Thương vừa có quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu.
Hàng hóa thuộc đối tượng điều tra là thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội, tráng hoặc mạ hợp kim nhôm/kẽm được phủ sơn (tôn lạnh màu); thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội, tráng hoặc mạ kẽm được phủ sơn (tôn kẽm màu); thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội được phủ sơn (tôn đen màu) ở dạng cuộn, tấm băng hoặc cán sóng. Các hàng hóa này có mã HS như là 7210.7010, 7210.7090, 7212.4010, 7212.4020, 7212.4090, 7225.9990, 7226.9919, 7226.9999.
Việc áp thuế này được cho là cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước. |
Theo văn bản, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi kết thúc điều tra nếu xét thấy việc chậm thi hành sẽ gây ra hoặc đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và thiệt hại đó khó có thể khắc phục về sau.
Cơ quan quản lý cũng khuyến cáo các doanh nghiệp trong quá trình ký hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra cần lưu ý về khả năng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ được áp dụng.
Trước đó, Bộ Công Thương đã nhận được đơn yêu cầu của nhóm công ty thép Đại Thiên Lộc, Nam Kim và Tôn Đông Á về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu. Ba công ty nêu trên hiện chiếm 25,17% thị trường tôn màu trong nước.
Thực tế thời gian qua, mặt hàng tôn màu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến. Trong 3 năm (2013-2015), lượng tôn màu nhập khẩu tăng gần 2,5 lần, từ gần 130.000 tấn lên hơn 310.000 tấn. Giá trị nhập khẩu lên tới 5.200 tỷ năm 2015.
Giá bán của các sản phầm tôn màu Trung Quốc cũng thấp hơn 30-40% so với trong nước, của Hàn Quốc thấp hơn 72%. Các doanh nghiệp trong nước cho rằng việc bán "phá giá" này đã đẩy họ lâm vào khó khăn. Việc này diễn ra do cuộc khủng hoảng thừa của ngành thép tại Trung Quốc, khiến họ đẩy mạnh xuất khẩu sang Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường được nhắm đến dù phải bán dưới giá thành sản xuất. Để bảo vệ sản xuất trong nước, nhiều nước trong khu vực đã có biện pháp phòng vệ như áp thuế, lập các hàng rào phi thuế quan...