You are here

Nam Định có dự án nhiệt điện 2,3 tỷ USD

Nam Định có dự án nhiệt điện 2,3 tỷ USD

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng UBND tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhiệt điện BOT Nam Định 1. Dự án có tổng công suất 1.200MW, gồm 2 tổ máy, tổng mức đầu tư khoảng 2,3 tỷ USD. Trong đó vốn chủ sở hữu là 518 triệu USD, còn lại là vốn vay hơn 1,5 tỷ USD từ các tổ chức quốc tế. 

Đây là dự án sẽ sử dụng than khai thác trong nước của Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, việc triển khai thực hiện thành công dự án này sẽ tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. 

“Dự án phải trở thành tổ hợp công nghiệp điện hiện đại, thân thiện với môi trường”, ông Đặng Huy Đông kỳ vọng và đề nghị các nhà đầu tư sớm hoàn tất các thủ tục tiếp theo, trong đó có việc ký hợp đồng BOT với Bộ Công Thương...

nam-dinh-co-du-an-nhiet-dien-2-3-ty-usd

Đại diện chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 nhận giấy chứng nhận đầu tư từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư. 

Trước lo lắng về vấn đề môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than, ông Paddy Padmanathan - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Acwa Power, một trong 2 liên doanh đầu tư dự án này thừa nhận, ảnh hưởng môi trường đã buộc các nước nghĩ nhiều đến việc sử dụng các nguồn năng lượng khác nhau để tạo ra điện, trong đó có năng lượng mặt trời, gió... Tuy nhiên, với điều kiện tự nhiên, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất điện từ nhiều nguồn năng lượng khác nhau, như thuỷ điện, nhiệt điện hay điện gió, khí... 

So sánh chi phí đầu tư giữa nhiệt điện than và năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời... CEO Acwa Power nhận xét, nếu cộng dồn các loại chi phí đầu tư, vận hành thì việc đầu tư nhà máy nhiệt điện than hay năng lượng tái tạo là ngang nhau. "Không có sự lựa chọn nào là tốt nhất, phải căn cứ trên nhu cầu năng lượng của từng quốc gia để có hình thức đầu tư phù hợp nhất", ông chia sẻ, đồng thời cho rằng, Việt Nam cần các giải pháp cạnh tranh chi phí trong ngành điện nhằm đáp ứng các nhu cầu năng lượng đa dạng trong thời gian tới. 

Riêng với dự án nhiệt điện than tại Nam Định, các đối tác đầu tư cam kết tuân thủ theo đúng bộ tiêu chuẩn về môi trường của các tổ chức quốc tế đưa ra. Đây cũng là điều kiện mà đối tác cho vay đưa ra với chủ đầu tư dự án để được vay vốn. "Nếu chúng tôi không đáp ứng theo bộ tiêu chuẩn này, đồng nghĩa việc sẽ không được vay vốn", ông Paddy Padmanathan nói. 

Theo kế hoạch, nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 sẽ khởi công đầu năm 2018 và đưa vào vận hành tổ máy số 1 sau 51 tháng; hoàn thành toàn bộ nhà máy sau 57 tháng thi công.

Anh Minh

Lượt xem: 3,771