You are here
Mua ngân hàng giá 0 đồng - liều thuốc không thể lạm dụng
Mua ngân hàng giá 0 đồng - liều thuốc không thể lạm dụng
Tọa đàm về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu được Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội tranh thủ tổ chức tối qua, ngay khi các đại biểu kết thúc ngày làm việc thứ sáu của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 13. Tham dự có lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư Pháp, Ủy ban Tư pháp và đại diện các cơ quan chuyên trách của Quốc hội.
Nội dung thảo luận được chú ý, bởi tròn một tuần nữa Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể về tình hình kinh tế xã hội. Trung tuần tháng 11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thể phải trực tiếp giải trình về tái cơ cấu, trong đó có việc mua Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank) với giá 0 đồng - một giải pháp đang bị nghi ngờ về cơ sở pháp lý cũng như hiệu quả thực tế. Đầu kỳ họp này, một số đại biểu còn đề nghị Quốc hội lập ủy ban lâm thời giám sát toàn bộ hoạt động mua ngân hàng với giá 0 đồng.
Trong đề án tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, tái cơ cấu ngân hàng được xem là cam go nhất, thu hút sự quan tâm nhiều nhất của dư luận. Theo cách nói của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, công cuộc này tốn cả nước mắt, thậm chí xương máu, tù tội. Ông Nghĩa từng kinh qua các chức vụ quan trọng ở Ngân hàng Nhà nước dưới thời hai Thống đốc, phụ trách chương trình cổ phần hoá ngân hàng thương mại quốc doanh những năm đầu 2000. Nhiệm kỳ Thống đốc hiện nay, ông không còn là người Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn tư vấn, tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước bắt đầu công cuộc tái cấu trúc từ năm 2011, với 3 mục tiêu củng cố thanh khoản, xử lý ngân hàng yếu; xử lý nợ xấu, lành mạnh tài chính và chấn chỉnh quản trị, quản lý rủi ro, xử lý sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng, từ đó tạo tiền đề cho giai đoạn hiện đại hoá hệ thống vào năm 2016-2020. Việc mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng từ đầu năm tới nay được xem là quyết liệt nhất và chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành ngân hàng.
Dẫn lại bối cảnh 4 năm trước, ông Nghĩa chứng minh Ngân hàng Nhà nước đã dũng cảm như thế nào khi bắt tay vào tái cơ cấu: Doanh nghiệp phá sản hàng loạt, lạm phát trên 20%, lãi suất khi cao điểm đã tới 35%, hệ thống ngân hàng nguy cơ mất thanh khoản, tín dụng suy kiệt. Thanh khoản quốc tế bị đe doạ khi dự trữ ngoại hối sụt giảm, tỷ giá tăng nóng và thị trường vàng bị lũng đoạn. Đến nay, lạm phát đã được kiểm soát, lãi suất xuống mức thấp. Thị trường vàng đã được bình ổn, chấm dứt rủi ro vàng hoá nền kinh tế. Tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng cao trở lại giúp lấy lại niềm tin của thị trường tài chính quốc tế.
Và đặc biệt, theo đánh giá của ông Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý quyết liệt các ngân hàng yếu kém, qua đó ổn định thanh khoản, thiết lập lại kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch: "Ngân hàng Nhà nước còn có vai trò của Ngân hàng Trung ương, mẹ của các ngân hàng. Con dại cái mang, trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước phải lo, nếu để các ngân hàng đó chết sẽ ảnh hưởng tới cả hệ thống. Việc mua 3 ngân hàng nên thực hiện sớm hơn chứ không phải tới bây giờ, đừng để các ông ý bắt cả nền kinh tế làm con tin. Ngân hàng không phải doanh nghiệp bình thường để có thể cho phá sản, mua bán. Họ đi kinh doanh bằng tiền của người khác. Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ tiền gửi của dân chúng. Tái cơ cấu ngân hàng hiện chỉ xử lý bằng cơ chế, chứ không bằng tiền. Ngân hàng Nhà nước đi mua 3 ngân hàng cũng bằng cơ chế chứ không bỏ tiền ra và trả nợ thay. Nếu Ngân hàng Nhà nước đi xin tiền để xử lý thì chắc đại biểu Quốc hội sẽ lắc đầu hết. Mà ở Việt Nam hiện nay, ngoài Ngân hàng Nhà nước, không tổ chức kinh tế nào đủ tiềm lực và uy tín để mua lại 3 ngân hàng như thế để rồi củng cố và người dân vẫn gửi tiền vào". |
"Chúng ta đã làm được những việc rất quan trọng với tinh thần trách nhiệm cao và kiên định để vượt qua chặng đường vô cùng nguy hiểm. Cá nhân tôi rất cảm kích trước những việc Ngân hàng Nhà nước đã làm để tái cấu trúc hệ thống", ông Nghĩa đúc kết.
Liên quan tới việc mua ngân hàng giá 0 đồng, ông Nghĩa dẫn lại Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các Tổ chức tín dụng và hai quyết định quan trọng của Thủ tướng để khẳng định Ngân hàng Nhà nước có đủ cơ sở pháp lý khi triển khai. Các bước xử lý, theo ông, cũng đúng trình tự quy định.
"Cá nhân tôi đánh giá đây là hành động táo bạo và đầy sáng tạo trong điều kiện đặc thù của Việt Nam. Phải mua 0 đồng vì các ngân hàng đều nợ mất vốn vượt vài lần vốn tự có và vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Các ông chủ đang hằng ngày hằng giờ ăn vào tiền gửi của dân, nếu tiếp tục kéo dài dân chúng sẽ rút tiền ồ ạt", ông lý giải thay cho Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông, nhờ việc tham gia và kiểm soát toàn bộ hoạt động mà Ngân hàng Nhà nước có thể kết thúc nhanh chóng những rủi ro với thị trường, củng cố niềm tin để dân chúng tiếp tục gửi tiền. Ngân hàng Nhà nước không mất tiền mua mà vẫn xử lý được các vấn đề tài chính của 3 ngân hàng này thông qua các nghiệp vụ trên thị trường liên ngân hàng, thậm chí có thể cho vay tái cấp vốn đặc biệt rồi thu hồi khi thanh khoản được đảm bảo.
Tham gia toạ đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đều xác nhận các cơ sở pháp lý và trình tự, thủ tục để Ngân hàng Nhà nước xử lý 3 ngân hàng đặc biệt yếu kém theo phương án mua bắt buộc giá 0 đồng.
"Trước đây nghe qua cũng băn khoăn nhưng khi tìm hiểu kỹ thì tôi thấy an tâm về căn cứ pháp lý cũng như trình tự thực hiện. Sự có mặt của Ngân hàng Nhà nước đồng nghĩa Nhà nước đảm bảo cho tiền gửi của dân chúng. Đây là giải pháp phù hợp và khả thi nhất tại thời điểm này", bà Nga nhấn mạnh.
Điều bà Nga quan tâm là quyền lợi của các cổ đông thiểu số. Cả 3 ngân hàng đều chưa niêm yết, thực hiện không đầy đủ các hoạt động kiểm toán, kiểm soát nội bộ và công bố thông tin. Đến khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố tình trạng và biện pháp xử lý bắt buộc, các cổ đông nhỏ lẻ mới biết thông tin và giá trị đầu tư của họ đã không còn.
"Đây là vấn đề cần nghiên cứu và Ngân hàng Nhà nước cần chủ động đề xuất thiết chế pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số", bà Nga nói.
Dù hai chuyên gia giàu kinh nghiệm Lê Xuân Nghĩa và Trần Du Lịch khẳng định không tốn tiền ngân sách, bà Nga vẫn đặt vấn đề về nguồn tiền để phục hồi hoạt động các ngân hàng sau khi được mua lại. Mặt khác, theo bà Nga, Ngân hàng Nhà có thể rơi vào tình trạng xung đột lợi ích, khi thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, thành viên Chính phủ đồng thời lại là "mẹ" của các ngân hàng.
Luật các Tổ chức tín dụng và Luật Phá sản hiện hành đã dự liệu tình huống và cho phép phá sản ngân hàng. Giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đặt mục tiêu không để xảy ra đổ vỡ, mất an toàn hoạt động ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế việc chưa phá sản các tổ chức tín dụng được bà Nga cho là phù hợp.
Tuy nhiên, bà khuyến nghị chỉ nên coi mua ngân hàng 0 đồng là giải pháp trước mắt, mang tính tình thế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam cũng cho rằng chỉ nên coi giải pháp mua lại bắt buộc là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ pháp lý phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng.
"Luật Phá sản đã mở ra hành lang pháp lý cho các thủ tục phá sản ngân hàng theo con đường toà án. Đây là phương án cần tính đến và được các chuyên gia khuyến nghị. Để một ngân hàng phá sản sẽ là bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người gửi tiền, một biện pháp hữu hiệu chống lại thói ỷ thế làm liều của cả hai bên. Làm như vậy cũng công bằng hơn, Nhà nước sẽ không phải can thiệp giải cứu dựa trên tiền thuế của những người dân không được hưởng lợi gì từ ngân hàng này", bà Nga nói.
Kỳ Duyên