You are here

Một cá nhân muốn đấu giá sổ tiết kiệm gần 40 năm

Một cá nhân muốn đấu giá sổ tiết kiệm gần 40 năm

Anh Nguyễn Thanh Tuấn, TP HCM cho biết, sau khi đọc loạt bài về trường hợp của bà Lê Thị Bích Thủy (quận Bình Thạnh TP HCM) gửi tiết kiệm hơn 30 năm giờ lên ngân hàng tất toán chỉ nhận được 4.385 đồng, anh đã kể cho mẹ nghe.

Vô tình, câu chuyện này cũng giống trường hợp của mẹ anh. Bà cho biết, cách đây mấy năm, trong lúc soạn giấy tờ, bà tìm thấy lại cuốn sổ tiết kiệm đã gửi tại Quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, chi nhánh quận 1, Đà Nẵng từ tháng 12/1976 với số tiền 179 đồng. Đến tháng 3/1977, bà đến rút 50 đồng và dư nợ còn lại là 129 đồng.

Sau khi rút số tiền 50 đồng trên thì vài tháng sau mẹ anh Tuấn chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Thời điểm đó, đất nước mới thống nhất được gần 2 năm, Nhà nước còn nhiều khó khăn và đang khuyến khích người dân gửi tiết kiệm để góp phần phát triển đất nước, nên bà đã không rút ra và cũng không thông báo chuyển sổ vào Sài Gòn.

so2-JPG-6134-1417686352.jpg

Sổ tiết kiệm gửi từ năm 1976.

Anh Tuấn cho biết, sau đó do cuộc sống mưu sinh vô cùng khó khăn đã làm cho mẹ anh quên đi một phần tài sản mà bà đã đóng góp cho đất nước trong thời bao cấp.

"Mấy năm trước, mẹ tôi tìm lại được sổ tiết kiệm nhưng cho rằng thời gian đã quá lâu mà sổ này lại ở tận Đà Nẵng nên đã không nói cho con cháu nghe", anh Tuấn cho biết.

Đến giờ, bà giao lại cuốn sổ tiết kiệm ấy cho anh Tuấn và anh cũng có ý định sẽ lên Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM để tất toán (Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp này sẽ do Vietinbank tại TP HCM giải quyết). Thế nhưng, sau khi thấy trường hợp của khách hàng Lê Thị Bích Thủy, nên anh đã từ bỏ ý định.

sone-JPG_1417685584.jpg

Ngày 12/3/1977 thể hiện số dư trên sổ tiết kiệm là 129 đồng.

Theo đó, anh Tuấn sẽ không mang đến ngân hàng để tất toán nữa (vì tất toán cũng chỉ được vài nghìn đồng) mà muốn chuyển nhượng nó cho những ai có sở thích sưu tầm đồ cổ. "Những đóng góp của mẹ tôi trong giai đoạn khó khăn của đất nước giờ không được ghi nhận một cách xứng đáng, thì việc đem đấu giá cuốn sổ tiết kiệm này tôi hy vọng sẽ mang lại giá trị mà mẹ tôi đáng được hưởng", anh nói.

Trước đó, sau khi đăng tải trường hợp của bà Lê Thị Bích Thủy được VietinBank thông báo số tiền gốc và lãi khoản tiền gửi tiết kiệm hơn 30 năm là 4.835 đồng dù giá trị ban đầu tương đương 2 chỉ vàng, đã có hàng chục nghìn ý kiến bạn đọc VnExpress.net chia sẻ với chủ nhân cuốn sổ tiết kiệm trên.

Một số ý kiến cho rằng ngân hàng đã làm đúng trách nhiệm và đúng quy định của pháp luật khi tiến hành kiểm tra lại dữ liệu và tính cả gốc lẫn lãi quyển sổ tiết kiệm có thời gian hơn 30 năm của bà Thủy.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại e ngại trước số tiền gốc, lãi quá ít ỏi và đề nghị bà Thủy nên bán đấu giá hoặc chuyển nhượng cho những người muốn sở hữu nó với giá cao hơn chứ không nên đem đi tất toán.

Bạn đọc Hà Thu cho biết sẵn sàng mua cuốn sổ với giá gấp 2.000 lần, tương đương 8.770.000 đồng (khoảng 2 chỉ vàng, tương đương thời giá lúc bà gửi). Còn anh Nam Khánh cũng muốn có cuốn sổ tiết kiệm này để bổ sung bộ sưu tập kỷ vật thời bao cấp của mình.

Thanh Lê

Lượt xem: 2,068