You are here

Mở một cửa hàng Điện máy Xanh tốn hơn 5 tỷ đồng

Mở một cửa hàng Điện máy Xanh tốn hơn 5 tỷ đồng

Công ty cổ phần Thế Giới Di Động đang đẩy mạnh phát triển các cửa hàng mang tên Điện máy Xanh, ngoài các cửa hàng Thế Giới Di Động hiện hữu. Hiện tại, doanh nghiệp này sở hữu trên 30 cửa hàng Điện máy Xanh và dự kiến tăng lên gần 70 vào cuối năm nay. Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động chia sẻ với VnExpress tham vọng vươn lên vị thế dẫn đầu lĩnh vực bán lẻ điện máy, dù nhiều ông lớn trong ngành này đã phá sản, ngưng hoạt động.

- Nhiều tên tuổi trong lĩnh vực điện máy đã rời thị trường hoặc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài. Vì sao Điện máy Xanh dự định tăng gấp đôi điểm bán vào cuối năm nay?

- 2010-2013 là giai đoạn phát triển mạnh của Thế Giới Di Động. Giữa 2014, các cửa hàng Thegioididong.com đã chiếm thị phần khá ổn nên chúng tôi quyết định tập trung phát triển mảng điện máy.

Hiện tại, chúng tôi có 32 cửa hàng Điện máy Xanh và sẽ mở thêm trên 30 cửa hàng từ nay đến hết năm. Điện máy Xanh đóng góp 20-25% vào tổng doanh thu toàn công ty. Nhưng nếu xét về lợi nhuận, tỷ lệ đóng góp sẽ thấp hơn do lĩnh vực điện máy đang nằm nhiều ở giai đoạn đầu tư.

Một cửa hàng Thế Giới Di Động có chi phí đầu tư ban đầu 1,5-2 tỷ, còn chi phí đầu tư trung bình của Điện máy Xanh gấp 3-5 lần, tùy vào hiện trạng xây dựng mặt bằng, diện tích quy mô và vị trí.

Công ty tập trung vào hai nhóm dòng sản phẩm chính. Một nhóm viễn thông, IT của Thế Giới Di Động chiếm 25%. Nhóm hàng điện máy của Điện máy Xanh khoảng 75% và sẽ gia tăng nhiều hơn trong thời gian tới.

Ngành điện tử tiêu dùng của Việt Nam tăng 10-20% mỗi năm. Một số nhóm hàng không có sức tăng trưởng cao như tủ lạnh, máy giặt cũng tăng khoảng 10%, riêng điện thoại tăng tới 20%.

6 tháng vừa qua, Điện máy Xanh tăng trưởng hơn 90% so với cùng kỳ, do đó việc tăng trưởng ngành không quyết định nhiều vào việc tăng trưởng doanh thu của Điện máy Xanh. Đó là lý do chúng tôi quyết định thâm nhập sâu hơn nữa vào ngành bán lẻ điện máy.

4F4B2173D442AA55D1B688C3C37461-9598-3277

Mở một cửa hàng Điện máy Xanh tốn hơn 5 tỷ đồng. Ảnh: TGDĐ

- Đâu là bước đi khác biệt của công ty so với các đối thủ trong cuộc đua đầy thách thức này?

- Một vài năm tới, thị trường điện tử tiêu dùng (bao gồm điện máy và điện thoại) đạt doanh thu 6-7 tỷ USD (trong đó điện thoại chiếm một phần ba). Tôi ước tính thị phần về điện thoại của Thế Giới Di Động 35-40%. Ở mảng điện máy, Điện máy Xanh chiếm 15-20% thị phần vào năm 2016-2017.

Mức tăng trưởng doanh thu ngành bán lẻ điện máy của Việt Nam khá tốt trong khi các nước khác đã ở giai đoạn bão hòa. Đó có thể là lý do nhiều doanh nghiệp ngoại đầu tư vào Việt Nam.

Để khác biệt và thắng đối thủ, tôn chỉ hoạt động của Điện máy Xanh là tăng cường mở shop phục vụ trong thời gian ngắn nhất; cải tiến không ngừng và nâng cao chất lượng phục vụ. Chúng tôi cũng đầu tư để thúc đẩy nhận biết thương hiệu, bởi so với Nguyễn Kim, Chợ Lớn thì thương hiệu của họ được nhận diện khá tốt so với Điện máy Xanh.

Trong kinh doanh, ai cũng có thể nói tôi sẵn sàng phục vụ khách hàng. Làm sao truyền đạt tư tưởng phục vụ khách hàng xuyên suốt và nhất quán từ ban lãnh đạo đến cả mười mấy nghìn nhân viên thì không phải ai cũng làm được. Điều này đòi hỏi sự khéo léo của người lãnh đạo và nỗ lực của cả tập thể. Đó là lý do công ty đã từ bỏ 7,8 tỷ động lợi nhuận bán app điện thoại mỗi tháng để làm giá trị gia tăng cho khách hàng.

- Công ty chịu áp lực cạnh tranh như thế nào khi một số nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập, nhòm ngó thị trường điện máy Việt?

Theo tôi, nhà đầu tư ngoại khi thực hiện các thương vụ M&A ở thị trường Việt cũng không gây xáo trộn lớn. Bởi việc sáp nhập chỉ có một chút thay đổi về cung cách quản lý, còn số lượng siêu thị nâng lên không nhiều. Nếu đứng dưới góc độ người tiêu dùng thì tôi nhận thấy không có gì gọi là cạnh tranh gay gắt hơn so với lúc chưa sáp nhập. Chỉ lúc nào, nhiều siêu thị đồng loạt sáp nhập để nâng tổng số siêu thị lên cao và gây sức nặng với nhà cung cấp thì mức độ cạnh tranh lúc đó mới đáng lưu ý.

Nếu ban lãnh đạo nhận thấy việc M&A đem lại lợi ích cho công việc kinh doanh của đôi bên thì chúng tôi sẵn sàng hợp tác. Còn hiện tại, Công ty cổ phần Thế Giới Di Động vẫn tự mình phát triển là chính.

Mo-hinh-vua-phai-giup-Dien-may-6274-4742

Ở mảng điện máy, Điện máy Xanh dự kiến chiếm 15-20% thị phần vào năm 2016-2017.. Ảnh: TGDĐ

- Doanh nghiệp xoay sở nguồn vốn ở đâu để mở hàng loạt cửa hàng điện máy?

- Thế Giới Di Động sử dụng lợi nhuận của công ty để đầu tư vào việc mở rộng các chuỗi siêu thị Điện máy Xanh, không sử dụng vốn vay ngân hàng. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn dòng tiền nên mới đầu tư nhanh và mạnh như vậy.

Công ty đã đào tạo lực lượng nhân sự nòng cốt, những lực lượng này sẽ  trực tiếp quản lý tại các vùng miền trực thuộc. Chính nhờ giàn khung khá vững chắc nên công ty tập trung mở rộng phạm vi hoạt động. Việc phân quyền giữa các vùng khá mạnh mẽ và giúp cho tốc độ phát triển rất nhanh.

6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của Thế Giới Di Động đạt 52% kế hoạch năm, tương đương 11.000 tỷ đồng

- Doanh thu của Thế Giới Di Động ở phía Bắc khá khiêm tốn so với các khu vực khác. Lý do vì sao, thưa ông?

- Điều này tùy thuộc vào mỗi cửa hàng và thời điểm kinh doanh. Những cửa hàng nhỏ đạt doanh thu 2-3 tỷ đồng một tháng, shop lớn hơn thì có thể 8-10 tỷ.

Hiện tại, doanh thu ở TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ có tỷ trọng lớn nhất. Khu vực miền Bắc chỉ chiếm 20%. Mảng online đóng góp khoảng 5% nhưng tăng trưởng khá tốt, gấp đôi so với năm trước, do đó, hiện tại công ty chú trọng đầu tư vào website và quy trình mua hàng trên online.

Thế Giới Di Động đã có mặt ở ngoài Bắc khá lâu. Doanh nghiệp đang xây dựng khoảng 5 Điện máy Xanh ngoài miền Bắc, cửa hàng sớm nhất dự kiến khai trương khoảng đầu tháng 9.

Chúng tôi khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng và nhận thấy thị trường miền Bắc có nhiều rủi ro nhất. Do đó, công ty điều chỉnh tỷ lệ các mặt hàng trưng bày tại các vùng miền dựa trên mức độ ưa chuộng của khách hàng tại vùng đó. Ví dụ, miền Bắc thường lựa chọn Iphone khi mua điện thoại và Electrolux khi mua các sản phẩm điện tử, điện lạnh. Vì thế, công ty sẽ trưng bày nhiều và hấp dẫn hơn để đáp ứng nhu cầu thị hiếu.

- Kinh doanh thiết bị di động và nay lấn sân sang điện máy. Doanh nghiệp sẽ còn mở rộng hoạt động ở lĩnh vực nào?

- Mặc dù đang kinh doanh điện thoại và điện máy nhưng có thể trong tương lai chúng tôi sẽ bán thêm các mặt hàng khác. Nhưng dù làm gì thì doanh nghiệp vẫn chỉ xoay quanh trục bán lẻ.

Mai Thương

Lượt xem: 1,652