You are here
Minh bạch việc đền bù, thu hồi đất
Minh bạch việc đền bù, thu hồi đất
Thị trường bất động sản tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: A.D
Cần làm rõ hơn mục đích thu hồi đất
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia ngành luật, Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã xác định cơ bản đúng nguyên nhân trọng tâm về những bất cập trong công tác thu hồi đất này và chỉ rõ nhưng điểm cần khắc phục như: Cần xác định “mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”; vấn đề “bỏ khung giá đất”...
Đồng thời làm rõ “trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong vai trò đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai”. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay tiếp thu rất ít được các định hướng quan trọng này.
PGS-TS Phan Trung Hiền - Trưởng khoa Luật, trường ĐH Cần Thơ - cho rằng, vẫn còn những điểm bất cập về giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đơn cử như Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa làm rõ hơn “mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Ngoài việc bổ sung các điều kiện ở khoản 5 Điều 67, Dự thảo hầu như không thay đổi gì lớn so với Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 mặc dù một số điều khoản đã từng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi đó, Điều 102 Dự án thu hồi tạo quỹ đất được bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai nhưng thiếu cơ sở rõ ràng, có dấu hiệu mâu thuẫn với Điều 67 về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Hay như việc Dự thảo quy định về nguyên tắc xác định giá đất vẫn không có nguyên tắc “công khai, minh bạch”. Theo PGS Phan Trung Hiền, Dự thảo cần bổ sung phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 67 Dự thảo. Điều này, giúp cơ quan lập pháp và hành pháp đánh giá toàn diện những thiệt hại của người có đất bị thu hồi.
Lấy Luật đất đai “làm gốc”
Giám đốc Sở TNMT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có 16 chương, 237 điều, rất nhiều chương quan trọng.
Hiện nay trong quá trình đầu tư xây dựng, các dự án có sử dụng đất có một số nội dung giữa các luật có sự xung đột với nhau. Do đó ông Thắng đề xuất trong quá trình thực thi (Luật Đất đai sửa đổi) nếu có tình trạng chồng chéo với các luật khác thì lấy Luật Đất đai “làm gốc”.
Đại diện Sở TNMT kiến nghị nhiều nội dung liên quan. Đơn cử như Luật Đất đai cần quy định cụ thể, rõ ràng đối với các nội dung về giao đất, cho thuê đất khi thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất như trên, tránh tình trạng phải vận dụng trong quá trình thực hiện. Đặc biệt áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất, Nhà nước thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư bằng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê…
Kiến nghị bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, chỉ quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng: Đối với trường hợp trên 80% người dân đã chấp thuận nhận bồi thường trong các dự án đã được Nhà nước chấp thuận chủ trương, Nhà nước cần có quy định để chủ đầu tư tiếp tục bồi thường phần đất còn lại để dự án sớm được triển khai...