You are here
Mẹo tiết kiệm tiền trước khi sinh
Mẹo tiết kiệm tiền trước khi sinh
Không sắm quá nhiều đồ bầu
Khi mang thai, bạn nên tận dụng tối đa các loại quần áo có sẵn của mình để mặc ở nhà. Còn khi đi làm, bạn có thể mua đầm bầu để mặc nhưng với số lượng có giới hạn, tuyệt đối tránh việc chạy theo thời trang. Vì đồ bầu chỉ mặc vài tháng là xong, không cần thiết phải tốn quá nhiều tiền vào việc ăn mặc này.
Chị Thanh ở quận Phú Nhuận, TP HCM cho biết, con của chị đã được một tuổi. Giờ đây ngồi tính toán lại chị mới giật mình khi thấy tổng số tiền dành cho mua đồ bầu hết gần 30 triệu đồng.
"Bắt đầu từ tháng thứ 3 tôi đã đi mua đồ bầu, mỗi bộ chừng 500.000 - 600.000 đồng. Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau tôi đã phải thay toàn bộ vì cơ thể tăng cân nhanh. Thấy ở đâu có đồ đẹp tôi cũng ghé xem mua, kể cả nhờ bạn bè mua giúp khi đi nước ngoài. Thậm chí để tạo khác biệt, tôi còn đặt hàng thiết kế riêng 2 bộ, mỗi bộ hết 5 triệu đồng. Nhưng rồi cũng chẳng mặc được lâu vì càng về cuối thai kỳ càng ngại mặc những bộ kiểu cách", chị Thanh chia sẻ.
Hạn chế mua sắm đồ bầu hoặc các vật dụng cho bé quá tay có thể giúp các mẹ trẻ tiết kiệm được khoản tiền nho nhỏ dành cho việc sinh nở sau này. |
Mua đồ cho trẻ có kiểm soát
Chuẩn bị có đứa con đầu lòng, tâm lý của các bà mẹ trẻ thường rất thích đi mua đồ cho trẻ và dễ dẫn đến tình trạng sắm quá nhiều, mà dùng chẳng bao nhiêu.
Chị Lan, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho biết, dù đã nghe khuyến cáo từ người thân, bạn bè, nhưng càng đến gần ngày sinh, khát khao mua sắm cho cậu con trai sắp chào đời càng khó kiểm soát. "Con tôi mới được 14 tháng, nhưng hiện thời trong nhà có tới 3 đôi giày cho bé 2-3 tuổi. Nguyên nhân là lúc mang bầu, đi mua sắm thấy mấy đôi đẹp quá, nên không nỡ bỏ qua", chị Lan nói và cho biết thêm, vì để gần 2 năm, đến giờ 3 đôi trị giá 2 triệu đồng đã có dấu hiệu bị bong tróc lớp da bên ngoài.
Để khắc phục vấn đề này, bản thân chị Lan rút ra kinh nghiệm, các bà mẹ trẻ nên lập ra một danh sách chi tiết và cụ thể những vật dụng cần mua để phục vụ cho việc sinh nở. Những thứ như quần áo trẻ sơ sinh, nếu người thân, hoặc bạn bè đã sinh con trước đó và có sẵn thì có thể dùng mặc lại cho bé mà không nhất thiết phải mua mới. Bởi, trẻ sơ sinh lớn rất nhanh và phải nhanh chóng vứt bỏ những bộ quần áo không vừa. Còn nếu đang có kế hoạch có đứa thứ hai, bạn cũng có thể tiết kiệm quần áo đứa đầu cho đứa trẻ tiếp theo.
Mua bảo hiểm thai sản
Trước khi sinh con, những bà mẹ trẻ nên tìm hiểu viện phí ở các bệnh viện để lựa chọn cho mình một nơi sinh tốt nhưng chi phí hợp lý. Ngoài ra, các chị em cũng nên mua bảo hiểm thai sản trước khi mang thai để giảm viện phí xuống mức thấp nhất. Bảo hiểm thai sản hiện nay có thể thanh toán đến 80% viện phí.
Hạn chế những chi phí sinh hoạt không cần thiết
Lúc chưa có con, bạn có thể thoải mái đi ăn uống, vui chơi với bạn bè. Tuy nhiên, đã mang thai và chuẩn bị sinh con thì mọi việc sẽ khác. Bạn có thể đưa ra quyết định đâu là những nhu cầu thiết yếu của gia đình và đâu là những thứ có thể cắt giảm được.
Chẳng hạn, thay vì đi ăn uống ở bên ngoài tại những nơi đắt tiền vào những ngày cuối tuần với bạn bè, giờ bạn nên chuyển thành các bữa ăn tự nấu ở nhà. Khi đó, thức ăn vừa ngon, không khí vẫn ấm cúng mà lại có thể tiết kiệm được những khoản tiền đáng kể.
Chị Hương, nhân viên kế toán một doanh nghiệp tư nhân kể, khi đang ở thai kỳ tháng thứ 4, chị bỗng hay thèm ăn vặt và không muốn ăn những bữa chính ở nhà nữa. "Trong giờ làm việc, tôi hay mua những đồ ăn vặt ưa chuộng của phụ nữ như bánh tráng trộn, gỏi cuốn, kèm theo thức uống. Bình quân mỗi ngày 2 lần, mỗi lần hết chừng 30.000 đồng. Buổi chiều, tôi lại hay nổi hứng đi ăn những món thèm, như ốc, hải sản. Lúc thì đi với đồng nghiệp, khi lại đi với chồng. Sau một tháng, tính lại tôi mới giật mình vì riêng chi phí ăn vặt này lên tới hơn 3 triệu đồng", chị Hương tâm sự. Chưa kể, vì muốn con đầy đủ dinh dưỡng, khi về nhà chồng chị còn ép chị uống thêm sữa bầu, ăn bữa khuya, thành ra chi phí tăng cao, trong khi ăn uống ở nhà càng trở nên "cực hình" với chị.
Tiết kiệm với heo đất
Mua một con heo đất và bỏ hết tiền thừa cuối tháng vào trong đó. Cố gắng làm sao để hàng tháng thay vì tiết kiệm 30% thì nay bạn cố gắng tăng thêm ít nhất 10-20%. Khi heo đất đầy, bạn có thể mang tới ngân hàng gửi vào tài khoản tiết kiệm để tạo một khoản tiền kha khá phục vụ việc sinh con sau này.
Câu chuyện bỏ heo đất tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng lại được khá nhiều bà mẹ áp dụng và hiệu quả đôi khi bất ngờ.
Vợ chồng chị Mai kể, khi lên kế hoạch sinh con đầu lòng, cả hai quyết định mua một con heo đất đặt ngay ở bàn trang điểm cạnh đầu giường và gọi đó là "Quỹ tiết kiệm" nho nhỏ cho con lúc chào đời. Mỗi tháng lĩnh lương, hai vợ chồng lại cho heo "ăn" 50.000 đến vài trăm nghìn đồng. Kể cả những khoản tiền thưởng cố định hay linh hoạt ở công ty cũng được cho cả vào đó. "Tưởng tiết kiệm được ít, ai ngờ đến lúc chuẩn bị đi sinh, đập heo ra đếm tổng cộng gần 6 triệu đồng", chị Mai vui vẻ nói.
Tiết kiệm bài bản và có kế hoạch lâu dài hơn, chị Loan cho biết đã để dành riêng một con heo đất rất to từ khi mới cưới chồng, đến lúc có con chị vẫn giữ nguyên. Bao nhiêu tiền họ hàng, bạn bè đến chơi cho con, kể cả tiền mừng tuổi đều bỏ hết vào đó. Sau một thời gian, chị gom góp lại gửi chung vào một sổ tiết kiệm. Cứ như vậy, tiền năm sau lại gộp chung với tiền năm trước. Chưa hết, tùy vào tình hình tỷ giá trên thị trường, chị Loan lại tổng kết đổi ra USD cho đỡ mất giá.
"Cách tiết kiệm này cực kỳ hiệu quả vì trẻ con nào chẳng được tiền mừng tuổi và thi thoảng ông bà, bố mẹ, bạn bè đến chơi cho tiền. Sau này khi con lấy vợ tôi sẽ trao hết cho nó", chị Loan cười nói và cho biết, dù chỉ tiết kiệm gần 3 năm, nhưng số tiền tích lũy đến giờ đã gần 2.000 USD.
Hoài Thu