You are here
LienVietPostBank muốn thâu tóm thị trường 'cây tỷ đô'
LienVietPostBank muốn thâu tóm thị trường 'cây tỷ đô'
Tại đại hội cổ đông Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chiều 28/3 ở TP HCM, đa phần ý kiến quan tâm tới việc nhà băng đã và đang chi vốn "khủng" để đầu tư cho hoạt động trồng mắc ca. Dù đa phần ủng hộ song nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại bỏ vốn vào nông nghiệp sinh lãi thấp, mà chính sách của Nhà nước cho mảng này chưa rõ ràng, nên khá nhiều rủi ro.
Trình bày với cổ đông, ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị cho rằng, việc đầu tư cho nông nghiệp trong thời gian gần đây là bước đi đột phá của ngân hàng. “Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi đầu tư cho mắc ca. Tôi đã đi thực nghiệm gần hết các nhà vườn ở Tây Nguyên và Tây Bắc nên biết chắc nó sinh lời tốt như thế nào”, ông Hưởng giải thích.
LienVietPostBank lên kế hoạch trở thành ngân hàng bản lẻ số một Việt Nam vào 2018. |
Dẫn chứng thêm về thị trường, ông Hưởng đánh giá khoảng 10 năm nữa, nguồn cung cho thị trường nội địa vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu, trong khi đối với thế giới thì 20 năm nữa vẫn thiếu. "Đây chính là lý do mà chúng tôi lên kế hoạch dành 20.000-22.000 tỷ đồng để phát triển cây mắc ca tại 5 tỉnh Tây Nguyên thông qua hình thức cho vay tín chấp với thời hạn 7-10 năm, lãi suất dưới 10%", đại diện ngân hàng cho biết.
Đánh giá tín chấp là hình thức cho vay rủi ro, nhiều cổ đông cho rằng ngân hàng nên cho vay thế chấp. Tuy nhiên, ông Hưởng giải thích hiện hầu hết các nhà vườn cà phê trên ở các tỉnh trên đã thế chấp tài sản cho các ngân hàng khác. Do vậy, để kêu gọi được nông dân và phát triển trong dài hạn, nhà băng quyết định chịu chút thiệt thòi và cho họ vay vốn để trả nợ, đồng thời khuyến khích trồng và xen canh mắc ca. Theo đó, 5-7 năm tới, 200.000-250.000ha không chỉ mắc ca mà cà phê tại Tây Nguyên cũng về “tay” LienVietPostBank.
Với mong muốn “ôm trọn" thị trường “cây tỷ đô”, nhà băng cho hay, sẽ thực hiện phương châm “trâu đi tìm cọc chứ không để cọc đi tìm trâu”, tức là cán bộ ngân hàng cũng phải nghiên cứu kinh tế, đồng thời trở thành người nông dân thực thụ để hướng dẫn nông dân kỹ thuật.
Bên cạnh đầu tư mắc ca, năm nay, LienVietPostBank cho biết tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán lẻ như cho vay tiêu dùng, nuôi trồng thủy sản. Theo đó, ngân hàng sẽ xin cấp phép và phát triển thêm nhiều chi nhánh và phòng giao dịch tại các huyện ở nông thôn; xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin hiện đại hơn…
Riêng về vấn đề nợ xấu, nhà băng sẽ tích cực thu hồi nhằm bảo toàn vốn. Rà soát tổng thể danh mục tín dụng, lập kế hoạch xử lý đối với từng khoản nợ…
Ngoài những định hướng trên, tại đại hội, cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2015 và tăng vốn điều lệ. Cụ thể, năm 2015, nhà băng này đặt kế hoạch tăng 33,6% tổng tài sản lên 135.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng lên 9.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 115.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Với mức huy động tăng cao, năm nay công ty này đặt mục tiêu đạt 936 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ chi trả cổ tức của LienVietPostBank năm nay cũng dự kiến tăng lên 8% thay vì 6% như 2014.
Hồng Châu