You are here
Kinh tế Nga - Trung khó thân thiết
Kinh tế Nga - Trung khó thân thiết
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga - Vladimir Putin hơn 20 lần kể từ khi nhậm chức năm 2012. Dù tần suất gặp khá dày, và nhiều chuyển biến lớn về địa chính trị đã diễn ra, khả năng hợp tác kinh tế sâu hơn của hai quốc gia này vẫn chưa thể thành hiện thực.
Tuần này, ông Tập sẽ lại dừng chân ở Moscow để thăm chính thức Nga, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức vào ngày 7/7. Nhưng lần này sẽ không còn là cuộc gặp giữa hai nền kinh tế tương đương nữa.
"Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh. Còn Nga vẫn đang trong vòng xoáy đi xuống", Ian Bremmer - Chủ tịch Eurasia Group nhận xét.
Những kỳ vọng về việc thắt chặt quan hệ kinh tế giữa Moscow và Bắc Kinh xuất hiện từ năm 2014, khi Nga bị phương Tây trừng phạt vì vai trò trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Khi đó, vì không thể tiếp cận nguồn tài chính phương Tây, giá dầu lại trên đà lao dốc, Nga đã tìm đến các nước phương Đông.
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình và Tổng thống Nga - Vladimir Putin. Ảnh: Reuters |
Sau nhiều năm đàm phán, năm 2014, Nga đã ký hợp đồng 30 năm cung cấp khí đốt thiên nhiên cho nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới. Hợp đồng này trị giá khoảng 400 tỷ USD.
Dĩ nhiên, cả hai bên đều được lợi. Trung Quốc đang rất cần nhiên liệu và không muốn quá phụ thuộc vào Trung Đông. Còn Nga cũng cần thị trường và ngoại tệ.
Tuy nhiên, sau thỏa thuận này, Moscow lại gần như không thể hiện thêm nỗ lực lôi kéo Bắc Kinh. "Nga nói rất nhiều về việc xoay trục sang châu Á, nhưng kết quả thì vẫn chưa có mấy. Ít nhất là chưa được như điện Kremlin hy vọng", Gustav Gressel - nhà phân tích tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu nhận xét.
Nhiều năm nay, Nga vẫn nói về nhu cầu đa dạng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, dầu khí vẫn đóng góp hơn nửa tổng xuất khẩu của Nga và một phần ba nguồn thu cho Chính phủ. Vì thế, Trung Quốc có giúp đỡ đến thế nào, Nga cũng không tránh được ảnh hưởng từ cả các lệnh trừng phạt của phương Tây lẫn giá dầu đi xuống.
Trên thực tế, Nga đã rơi vào suy thoái từ năm 2015. Dù nước này đã có nhiều tín hiệu phục hồi, được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP tăng 1,5% mỗi năm trong 3 năm tới, tốc độ này vẫn khá thấp so với trung bình hơn 3,5% giai đoạn 2010 - 2012.
Quan hệ thương mại giữa hai nước cũng vẫn chưa tăng tốc trong những năm gần đây. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhì của Nga, chỉ sau Liên minh châu Âu (EU). Nga đã đưa sang Trung Quốc 9,6% hàng xuất khẩu năm 2016, tăng so với chỉ 7,5% năm 2014. Tuy nhiên, họ lại không nằm trong top 10 đối tác thương mại của Trung Quốc.
Câu chuyện đầu tư cũng tương tự. "Nga không phải điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư Trung Quốc, do nhiều rủi ro và thiếu minh bạch. Nga cũng có ít tài sản được bảo hộ sở hữu trí tuệ mà Trung Quốc ưa chuộng", Andrew Kenningham - kinh tế trưởng tại Capital Economics giải thích.
Trung Quốc đang dùng chiến lược "Vành đai và Con đường" để định hình lại thương mại trên khắp châu Á và châu Âu. Họ đã rót tiền vào đường sắt, đường cao tốc và nhiều dự án tại các nước thuộc Liên Xô cũ, như Kazakhstan và Uzbekistan.
Tuy nhiên, Nga lại không có mặt trong chiến lược này. "Với các công ty Trung Quốc, Nga không hấp dẫn, khi chính trị có mặt ở mọi nơi, tham nhũng ở mức cao và khả năng cạnh tranh về lương hoặc sự kết nối với các thị trường châu Âu khác khá thấp", Gressel nhận xét.
Khi các dấu hiệu kinh tế nền tảng chưa cho thấy sẽ có sự thay đổi nào, G20 lần này sẽ là cơ hội của các chính trị gia Nga. "Với ông Putin, gặp ông Tập là một động thái mang tính biểu tượng, nhằm cho người dân trong nước thấy rằng ông vẫn là chính trị gia hàng đầu trên thế giới. Việc này rất cần thiết khi cuộc bầu cử 2018 đang đến gần", Gressel kết luận.
Hà Thu (theo CNN)