You are here
Kiếm 100.000 USD một tháng ở Trung Quốc
Kiếm 100.000 USD một tháng ở Trung Quốc
Trong một studio ở Thẩm Dương (Trung Quốc), Yu Li đã sẵn sàng cho buổi ghi hình. Tóc đã làm, mặt đã trang điểm. Chỉ trong vài phút nữa, anh sẽ lên sóng và bắt đầu kiếm cả "núi tiền".
Yu ngày nào cũng mất hàng giờ cho việc livestream (phát video trực tuyến) trên YY - một mạng xã hội tại Trung Quốc. Mỗi lần anh nói điều gì hài hước, hay cảm ơn ai đó trong video, các fan sẽ gửi cho anh quà ảo - có thể đổi ra tiền thật.
Năm 2014, anh còn thành lập một công ty quản lý tài năng có tên Wudi Media - chuyên đào tạo và quảng bá những người muốn thành ngôi sao Internet. Nhờ cả việc kinh doanh và show riêng, mỗi tháng, Yu cho biết anh thường kiếm được hơn 100.000 USD.
Yu Li vừa mở kênh riêng, vừa có công ty quản lý tài năng. Ảnh: Washington Post |
Livestream là hoạt động phổ biến tại nhiều nước, trong đó có cả Mỹ. Tuy nhiên, mảng này tại Trung Quốc lớn hơn nhiều, và còn đang bùng nổ. Khoảng một nửa trong 700 triệu người dùng Internet tại Trung Quốc từng thử ứng dụng livestream - đông hơn cả dân số Mỹ.
Tại Mỹ, các ngôi sao trên mạng xã hội kiếm tiền từ quảng cáo và tài trợ. Mô hình ở Trung Quốc cũng tương tự, nhưng tiền chủ yếu đến từ người hâm mộ, dưới dạng các món quà ảo. Ngành công nghiệp livestream của Trung Quốc có quy mô ít nhất 3 tỷ USD năm 2016, tăng 180% so với năm trước đó, iResearch cho biết. Ngành này được dự báo sẽ sớm tạo ra doanh thu nhiều hơn cả rạp phim tại Trung Quốc.
Sự thay đổi này phản ánh tốc độ tăng trưởng bùng nổ của ngành công nghệ Trung Quốc. Đây cũng là một phần nỗ lực của chính phủ nước này, trong việc chuyển mô hình tăng trưởng sang dựa vào dịch vụ.
Yu có xuất thân khá nghèo khổ, lớn lên tại khu bình nguyên Hoa Bắc. Năm 16 tuổi, anh làm việc trong một xưởng cơ khí tại một thành phố nhỏ. Những khi không phải đi làm, anh lại vào các quán café Internet.
Trong một lần chơi game, anh bắt đầu thử nghiệm dịch vụ livestream. Khi ngành này bùng nổ, Yu cũng mở một kênh riêng cho mình.
Với mỗi 1.000 USD quà ảo, anh có thể kiếm được vài trăm USD tiền thật. Trong đó, YY lấy 50%, và công ty quản lý lấy 20-30% nữa.
Sau này, khi mở công ty, để phát triển, anh còn cần nguồn cung nhân lực ổn định. Thế nên, lúc nào Yu cũng phải đi tìm người mới.
Lu Mingming hát cho người dùng mạng xem qua Internet. Ảnh: WP |
Một trong số họ là Lu Yongzhi (26 tuổi), trước đây làm nghề buôn bán gia súc. Người cha dượng làm nông dân của anh chưa bao giờ xem kênh của con mình, vì ông chẳng có máy tính và cũng không biết dùng smartphone. “Tôi có nói với dân làng là con mình kiếm tiền bằng nghề này, nhưng họ không tin”, ông cho biết.
Khi mới vào nghề, Lu livestream tới 8 tiếng mỗi ngày, chỉ kiếm được rất ít và còn phải ngủ trên sàn nhà của bạn. Nhưng chỉ vài năm sau khi ký hợp đồng với Yu, anh đã có thể kiếm hàng nghìn USD mỗi tháng, ăn bữa sáng sang trọng và đi giày Balenciaga.
Câu chuyện về những người như Yu đã khiến giới trẻ coi livestream là một mỏ vàng. Rất nhiều học sinh bỏ học để theo đuổi ước mơ làm giàu. Nhiều nông dân cũng từ bỏ đồng ruộng để thử vận may.
Việc này đã khiến nhiều người muốn kiếm tiền nhanh bằng những cách cực đoan, như nuốt cá vàng hay ăn thủy tinh. Họ còn tìm đến các bác sĩ phẫu thuật để có gương mặt ăn hình, và thường xuyên sử dụng mỹ phẩm để giữ da.
Dù vậy, cuộc sống của họ khá buồn chán. Lu Mingming (25 tuổi) cho biết phần việc khó khăn nhất của cô là luôn phải tỏ ra giàu năng lượng, vui vẻ, hạnh phúc suốt hàng giờ liền, cả 7 ngày trong tuần. Bên cạnh đó, ngoài những bình luận mang tính khuyến khích, họ còn phải chịu nhiều nhận xét chẳng mấy hay ho.
Kể cả Yu, dù đã sống cuộc sống như trong mơ, cũng cảm thấy nghi ngờ. Khi mới bắt đầu tham gia live-stream, anh cảm thấy rất vui vẻ, vì được nói mọi thứ mình muốn.
Nhưng giờ đây, anh đã có danh tiếng, có công ty, còn sự kiểm soát của giới chức thì ngày càng gắt gao. Rất nhiều nền tảng live-stream và các tài khoản cá nhân đã phải đóng cửa. “Trước kia, dù chẳng có tiền, tôi cũng có thể làm mọi thứ mình muốn. Giờ đây, tôi phải thận trọng với từng câu chữ”, anh cho biết.
Hà Thu (theo Washington Post)