You are here
Không thể kêu gọi từ thiện cho cả nền nông nghiệp
Không thể kêu gọi từ thiện cho cả nền nông nghiệp
Vấn đề đầu ra cho nông sản tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng khi thảo luận tại tổ chiều 25/5 về tình hình kinh tế xã hội.
“Sản xuất nông nghiệp là vấn đề đáng phải quan tâm nhất hiện nay”, ông Nguyễn Doanh Khánh, Phó ban Nội chính Trung ương, đại biểu đoàn Phú Thọ mở đầu. Lý do được ông đưa ra là 4 tháng đầu năm tình hình kinh tế tăng trưởng khá tốt nhưng riêng trong lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng lại thấp hơn so với cùng kỳ 2014. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng với ví trí của nó trong tổng thể nền kinh tế.
“Vừa qua chúng ta có một số giải pháp tình thế như vận động sự ủng hộ của người tiêu dùng với sản phẩm nông nghiệp như dưa hấu, muối, mía tím… Tôi cho rằng cách xử lý này chỉ có thể ứng phó với một số nông hộ. Còn với cả nền nông nghiệp mà cứ kêu gọi lòng từ thiện của xã hội để xử lý thì không có hiệu quả”, đại biểu Khánh nói.
Từ việc sinh viên đi bán dưa hấu giúp nông dân, đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) khẳng định rõ ràng tổ chức thị trường có vấn đề. “Việt Nam có gần 100 triệu dân nhưng lại để xảy ra tình trạng nông sản ách tắc không tiêu thụ được. Lý do là chúng ta quá bị động vào thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc mà bỏ ngỏ thị trường nội địa. Trách nhiệm ở đây là của Bộ Công Thương và chính quyền địa phương”, ông Thông phân tích và lo ngại vải Lục Ngạn sẽ lại đi theo “vết xe đổ” của dưa hấu khi mà chính vụ đang đến gần.
Vải thiều là mặt hàng tiếp theo trong năm nay đối diện với nguy cơ bí đầu ra và rớt giá Ảnh: Quý Đoàn |
Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, nếu chỉ nói nông sản ùn tắc là lỗi của Bộ Nông nghiệp hay Công Thương là thiếu công bằng. “Có đồng chí nào nói lỗi tại tỉnh ủy, uỷ ban không? Ta phê bình người khác thì dễ nhưng đưa ra giải pháp để làm được tương đối thì lại chưa”, ông Kiên bày tỏ.
Theo đại biểu Nguyễn Doãn Khánh, giải pháp căn cơ, lâu dài mang tính chiến lược cho nông nghiệp trước hết là quy hoạch sản xuất gắn với thị trường. Trên cơ sở đó dự báo tình hình sản xuất để điều chỉnh hợp lý và tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận nguyên do ở chỗ liên kết giữa người nông dân - doanh nghiệp bán lẻ, bán buôn và thị trường trong nước chưa tốt. Dù vậy, ông Hoàng cho rằng nếu những sản phảm thực hiện gần như đúng quy hoạch, điển hình như gạo thì sẽ không có biến động về sản lượng. “Thị trường cho gạo luôn được hai bộ chủ động. Nhưng còn dưa hấu, cây ngắn ngày tranh thủ trồng xen vụ lúa nên không dự báo được bao nhiêu người trồng dưa hấu”, ông Hoàng nói.
Bộ trưởng xác nhận tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khó khăn đã liên tiếp nhiều năm qua. “Nhưng đừng đổ lỗi cho người nông dân, mà trước hết trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý”, ông Hoàng nói.
Người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng, vai trò của cơ quản lý trong hướng dẫn thị trường rất quan trọng, nhưng vì có những mặt hàng nằm ngoại dự báo nên đôi khi có những rủi ro, song không thể để kéo dài dẫn đến thua thiệt cho nông dân.
Nhóm phóng viên