You are here
Không được lợi dụng điều chỉnh quy hoạch để gia hạn dự án treo
Không được lợi dụng điều chỉnh quy hoạch để gia hạn dự án treo
Dự án Khu nhà ở Văn La nằm ở vị trí đất vàng, ngay trung tâm của quận Hà Đông (Hà Nội) nhưng bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Cao Nguyên
Mòn mỏi vì dự án treo
Cách đây 50 năm, hơn 40 công nhân thuộc Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Số 5 cùng gia đình đến khu tập thể Cơ khí số 5 (tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) sinh sống, với hy vọng đây sẽ là chốn an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, nửa thế kỷ trôi qua, hy vọng của các công nhân vẫn chưa thành hiện thực. Bởi năm 2008, khu tập thể Cơ khí số 5 được quy hoạch thuộc phạm vi dự án Cụm trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ, song đến nay, phần dự án tại khu vực này vẫn đắp chiếu.
Liên quan đến dự án treo xuyên thế kỷ này, UBND TP.Hà Nội đã nhiều lần có công văn trả lời kiến nghị của cử tri, song mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mức “các sở, ngành đang phối với các phòng, ban chuyên môn của quận Nam Từ Liêm để rà soát lại các quy hoạch để điều chỉnh”.
Các dự án chờ điều chỉnh kéo dài cả chục năm trên địa bàn TP.Hà Nội hiện không hiếm. Chỉ riêng khu vực huyện Mê Linh hiện có hơn 40 dự án bất động sản thu hồi đất nhiều năm nhưng vướng quy hoạch, chưa điều chỉnh được quy hoạch, nên để đất hoang hóa. Báo Lao Động cũng đã từng có các tuyến bài phản ánh về các dự án treo. Trong đó, dự án dự án Khu nhà ở Văn La - Văn Khê, diện tích 12ha nằm ở trung tâm quận Hà Đông do Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư. Mặc dù được giao đất vào năm 2008 dự kiến hoàn thành năm 2009, nhưng đến nay, sau hơn 10 năm, khu đất vàng vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa.
Hay như dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt của Tổng Công ty Xây dựng Licogi với diện tích hơn 35ha tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang là một trong những điểm nóng gây bức xúc cho dư luận vì vấn đề chậm tiến độ.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, các địa phương cần quyết liệt hơn trong việc thu hồi dự án treo để tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát dự án được giao đất để nắm hiện trạng, sớm triển khai các biện pháp xử lý.
Tránh cơ chế xin - cho dẫn đến tình trạng dự án chậm
Mới đây UBND TP.Hà Nội có văn bản chỉ đạo các đơn vị về việc thực hiện Nghị quyết số 04 về triển khai biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn. Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, xây dựng ban hành kế hoạch, khung tiêu chí xử lý đối với các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong tháng 12.2022, tổ chức thực hiện dứt điểm xong trước ngày 31.5.2023, định kỳ báo cáo hàng tháng.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi, đôn đốc đối với các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng đã được UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng, tham mưu, báo cáo UBND TP xử lý đối với từng trường hợp...
Ngoài ra phải thường xuyên rà soát, cập nhật kết quả thực hiện, khẩn trương hoàn thành việc đánh giá, hậu kiểm, thống kê, phân loại và xử lý từng dự án cụ thể theo hướng rõ người, rõ việc, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ.
Điều đáng nói, nội dung văn bản cũng nêu rõ, có quan điểm rõ ràng đối với từng nhóm dự án, nhất là các dự án không đảm bảo về pháp lý. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để hợp thức hóa việc gia hạn các dự án chậm triển khai.
Trước những diễn biến thực tế, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại khâu cán bộ thuộc bộ máy tham mưu, quản lý. Cần có đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, phê duyệt quy hoạch dự án, tránh cơ chế xin - cho dẫn đến tình trạng dự án chậm, không cần thiết nhưng liên tục được nới thời hạn. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, đôn đốc tại các địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm; xử lý các cán bộ sai phạm.