You are here

Kem lạnh cạnh tranh ‘nóng’

Kem lạnh cạnh tranh ‘nóng’

Sau 13 năm kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nguyên liệu từ trái cây tươi, Công ty Orana Việt Nam, liên doanh giữa Orana (Đan Mạch) và Công ty Phú Công Minh vừa hoàn tất xây dựng nhà máy trị giá 2 triệu USD sản xuất kem nguyên liệu và các sản phẩm như: mứt, nước ép, si rô... với thương hiệu Osterberg.

Đại diện công ty cũng công bố kế hoạch ra mắt cửa hàng bán kem nhằm thử nghiệm, thăm dò nhu cầu thị trường. Nếu thành công, Orana Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục ra mắt chuỗi cửa hàng do chính công ty phát triển, có thể sẽ được mở rộng nhượng quyền sau đó.

Kem-setop-2727-1422855590.jpg

Thị trường kem Việt Nam cạnh tranh gay gắt ở mọi phân khúc.

Quyết định gia nhập thị trường kem của liên doanh Orana- Phú Minh được đánh giá là hơi chậm chân. Tại Việt Nam, sau sự xuất hiện của Bud's, thương hiệu kem Mỹ nhập khẩu 100% vào Việt Nam năm 2007, những thương hiệu ngoại như: Baskin-Robbins, Monte rosa, Fanny, Dairy Queen... đã đồng loạt đổ bộ. Đặc biệt, sau khi hiện diện, các hãng kem nước ngoài đều nhanh chóng mở rộng thị trường.

Giữa năm 2013, trong buổi ra mắt chuỗi cửa hàng kem Baskin Robbins, ông Nguyễn Hiếu Liêm, Chủ tịch Công ty Ngôi Sao Xanh, đơn vị nhượng quyền phân phối thương hiệu kem Mỹ này tuyên bố, trong 5 năm tới sẽ mở 50 tiệm Baskin Robbins trên toàn quốc, tức là trung bình mỗi tháng có thêm một cửa hàng.

Tuyên bố của nhà phân phối Việt Nam khiến hãng kem nhượng quyền Mỹ thậm chí đã phải gửi một thông điệp đến ông Liêm về việc "cần thận trọng và kiểm soát hiệu quả việc phát triển nóng chuỗi cửa hàng kem Baskin Robbins tại Việt Nam". Tuy nhiên, chỉ sau gần 3 năm có mặt, ông Liêm đã bước đầu thực hiện được tham vọng khi mở 23 cửa hàng Baskin Robbins.

Một chuyên gia trong lĩnh vực nhượng quyền nhận định, sở dĩ Ngôi Sao Xanh nhanh chóng mở được chuỗi cửa hàng lớn là nhờ chiến thuật nhượng quyền đúng thời điểm với sức mua tốt ở phân khúc trung bình. Trong khi đó, với đặc điểm đầu tư quy mô, chọn vị trí trung tâm, đến nay hệ thống kem Bud's cũng đã có 8 chi nhánh, 6 cửa hàng nhượng quyền và 7 kios.

Sự bành trướng nhanh, rộng của các hãng kem ngoại tại thị trường Việt Nam dù vẫn chưa "hạ bệ" được một số doanh nghiệp lớn trong nước, nhưng thật sự đe dọa đến sự phát triển trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), ngành kem liên tục đạt tốc độ tăng trưởng 12,8% trong 3 năm gần đây cùng doanh thu cả nghìn tỷ đồng mỗi năm. Năm 2013, Kinh Đô vẫn giữ vị trí hàng đầu với hai thương hiệu Celano và Merino, chiếm 29% thị phần. Vinamilk và Thủy Tạ (Hà Nội) giữ vị trí thứ hai và ba.

Năm 2013, Kinh Đô đạt mức tăng trưởng giá trị bán lẻ cao nhất: 27,8% đối với ngành hàng này. Năm 2014, dù không công bố cụ thể giá trị bán lẻ, nhưng Tập đoàn Kinh Đô vẫn khẳng định kem đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận chung của công ty.

Nhận định về thị trường kem Việt Nam, chuyên gia của VPBS phân tích hiện chưa có một doanh nghiệp đầu ngành và đang bị chia từng phân khúc. Chẳng hạn, Vinamilk chỉ chuyên sản xuất kem hộp có thế mạnh ở phân khúc bán lẻ, nhưng cũng là mảng rất nhỏ trong rất nhiều sản phẩm mà Vinamilk phát triển. Còn Kido của Kinh Đô, sản phẩm kem que chỉ có thế mạnh ở thị trường trung cấp với hơn 30.000 điểm phân phối. Trong khi đó, các thương hiệu kem nhượng quyền của nước ngoài chủ yếu là dòng sản phẩm cao cấp, nhưng tương lai sẽ chinh phục thị trường nhanh hơn vì nhu cầu về sản phẩm ở phân khúc trên của người tiêu dùng ngày càng tăng.

Chuyên gia này dự báo, năm 2015 cạnh tranh giữa các hãng kem ngoại và trong nước sẽ tiếp tục căng thẳng, do đó tốc độ tăng trưởng của ngành chắc chắn cao hơn.

Bùi Kim

Lượt xem: 1,731