You are here

Gần 2 tỷ USD đã đầu tư vào Vân Đồn

Gần 2 tỷ USD đã đầu tư vào Vân Đồn

Tại cuộc làm việc giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo Ban, Bộ, ngành trung ương và tỉnh Quảng Ninh về phát triển kinh tế xã hội, đặc khu kinh tế Vân Đồn chiều 25/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành cho biết, Quảng Ninh đã thu hút được 36.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD) đầu tư hạ tầng cho Vân Đồn trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đặc khu này, trong đó có nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000 đến 7.000 tỷ đồng.

“Khi làm đề án đặc khu kinh tế Vân Đồn, chúng tôi tự tin nhưng thời gian 'chạy đà' tương đối dài rồi mà các nhà đầu tư đang chờ và chờ lâu hơn thì niềm tin giảm sút. Nên chúng tôi mong các Bộ, ngành và Quốc hội sớm thông qua cho Quảng Ninh”, ông Thành bày tỏ.

gan-2-ty-usd-da-dau-tu-vao-van-don

Vân Đồn (Quảng Ninh) đang hướng tới trở thành đặc khu kinh tế

Đánh giá nỗ lực của Quảng Ninh trong chuẩn bị đề án đặc khu kinh tế Vân Đồn, thu hút nhà đầu tư chiến lược vào khu vực này, nhưng với 9 chính sách ưu đãi về thuế mà Quảng Ninh đề xuất, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét "không còn nhiều ý nghĩa". 

Theo ông, việc xây dựng đề án đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn cần bảo đảm không cạnh tranh trong thu hút đầu tư với hai đặc khu còn lại là Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang). "Các nhà đầu tư chiến lược đầu tư tại Vân Đồn từ đầu thì cần quy định điều khoản chuyển tiếp ưu đãi bảo đảm công bằng cho họ", Phó thủ tướng nói và yêu cầu tỉnh Quảng Ninh báo cáo kỹ hơn về thẩm quyền của chức danh Trưởng đặc khu Vân Đồn.

Nêu quan điểm của địa phương về ưu đãi cho đặc khu kinh tế Vân Đồn, ông Nguyễn Văn Thành đề nghị không nên quy định “cứng” cho nhà đầu tư thuê đất trong 99 năm trong khu vực Vân Đồn mà giao Trưởng đặc khu tự quyết về thời hạn thuê đất. “Nếu không trao quyền cho Trưởng đặc khu thì vẫn như anh Chủ tịch huyện thôi”, ông Thành nói.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Quảng Ninh tiếp tục rà soát thể chế, chính sách cho đặc khu hành chính kinh tế nói chung và đặc khu Vân Đồn nói riêng, để Chính phủ kịp trình dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vào kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm nay.

Theo lộ trình, kỳ họp tháng 10 năm nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật đơn vi hành chính kinh tế đặc biệt, quyết định cơ chế, chính sách cho 3 đặc khu: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo dự thảo luật, mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.

UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang chủ trì, phối hợp với bộ ngành hoàn thiện các Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đề xuất cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng các dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho từng đơn vị.

Tuy nhiên, hiện dự thảo luật vẫn dừng lại ở việc hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia trong ngành, chưa được báo cáo ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nhiều chuyên gia hàng đầu đều đánh giá rằng đây là một dự án luật rất khó, vì phải xây dựng một cơ chế vượt trên khung khổ thông thường để thu hút đầu tư, chứ không phải đi học từ những ưu đãi của các đặc khu khác đã thành công trên thế giới để về áp dụng.

Anh Minh

Lượt xem: 30,618