You are here
Du lịch Việt Nam mất hàng trăm triệu USD vì 'tham bát bỏ mâm'
Du lịch Việt Nam mất hàng trăm triệu USD vì 'tham bát bỏ mâm'
Số liệu nêu trên đước ông Ken Atkinson - đại diện nhóm công tác Du lịch đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ ngày 9/6. Nhận định Việt Nam đang là một điểm du lịch hấp dẫn, song vị này cho rằng những khó khăn trong việc cấp thị thực có thể khiến nền kinh tế mất đi một lượng lớn khách lớn cho những nước có chính sách nhập cảnh thuận lợi hơn trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Indonesia hay Malaysia.
Doanh thu du lịch Việt Nam có thể tăng hàng trăm triệu USD nếu có chính sách visa thông thoáng hơn. Ảnh: VOV |
Cụ thể, du khách đến từ các thị trường tiềm năng ở xa thường có xu hướng kết hợp nhiều điểm đến trong chuyến đi. Ví dụ, khách châu Âu, Mỹ đến thăm Campuchia, Thái Lan và Malaysia thường cũng muốn đến Việt Nam. Tuy nhiên, thủ tục thị thực bất tiện có thể làm họ từ bỏ ý định này. "Một cặp vợ chồng từ châu Âu định đến Việt Nam du lịch, nhưng khi so sánh phí visa, họ thấy của Việt Nam đắt hơn Bangkok nên đã quyết định chọn du lịch Thái Lan", ông Atkinson lấy ví dụ.
Trong những trường hợp này, theo đại diện nhóm Công tác Du lịch, dù các chiến dịch quảng bá mạnh mẽ và thú vị như thế nào đi nữa thì khách vẫn "từ chối" đến Việt Nam bởi chính sách thị thực nghiêm ngặt.
Các chuyên gia này cho rằng quá trình miễn thị thực bị chậm lại có thể đến từ những lo ngại xung quanh khoản doanh thu từ phí lệ thực sẽ bị hao hụt. Hiện số lượng khách du lịch tới các từ những quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Australia và New Zealand khoảng 160.000 lượt. Nếu tính trung bình phí thị thực và phí giải quyết một hồ sơ là 70 USD, tổng doanh thu từ lệ phí thị thực ước tính vào khoảng 11 triệu đô. "Lập luận này, nếu đúng, sẽ là một quan điểm thiển cận", ông Atkinson nhận định.
Vị này tính toán, nếu Việt Nam mở rộng miễn thị thực cho các quốc gia, lượng khách đến có thể tăng khoảng 160.000 lượt. Dựa trên số ngày lưu trú trung bình hiện tại vào khoảng 11,3 ngày và mức chi tiêu trung bình một ngày vào khoảng 102 USD, tổng chi tiêu sẽ tăng thêm khoảng 200 triệu USD. Như vậy, ngành du lịch khách sạn sẽ đóng góp khoảng 20 triệu USD thuế giá trị gia tăng. 180 triệu USD còn lại dành cho hỗ trợ đầu tư tư nhân, đóng góp cho thị trường lao động.
Từ đó, ông Atkinson khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên tăng cường đôn đốc các Bộ, ban ngành hướng tới một cái nhìn tổng thể có lợi cho đất nước và cân nhắc việc miễn giảm thị thực cho các quốc gia kể trên.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho hay hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ sớm trình danh mục các nước tiếp tục miễn visa đơn phương. "Chúng tôi sẽ trình Thủ tướng trong thời gian sớm nhất, song song với đó cũng tiến hành đơn giản hóa thủ tục cấp visa, chấn chỉnh lại việc cấp visa tại sân bay, visa quá cảnh, phí visa", ông Ái phản hồi.
Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, ngành du lịch đóng góp 9% vào GDP năm 2014 qua hoạt động kinh doanh của các ngành như khách sạn, đại lý du lịch, hàng không và các dịch vụ vận chuyển hành khách khách... Ngoài ra, tổng đóng góp của ngành du lịch vào GDP bao gồm những tác động rộng lớn hơn đến từ đầu tư, chuỗi cung ứng và các nguồn thu nhập còn cao hơn, dự kiến đạt 10% GDP năm ngoái.
Mộ báo cáo của UNWTO và WTTC cho rằng Việt Nam có tiềm năng đưa số lượng du khách du lịch tăng từ 8-18% nếu tạo thêm nhiều thuận lợi cho việc cấp thị thực. Vào đầu năm 2008, khoảng 70% người dân toàn cầu cần thị thực khi đi du lịch, con số này đã giảm xuống còn 64% vào năm 2010 và 60% vào năm 2013. Để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút trực tiếp các dòng khách du lịch quốc tế nhằm tăng thu nhập ngoại tệ, tạo công ăn việc làm, nhiều nước đang nghiên cứu để từng bước mở rộng chương trình miễn thị thực, đẩy mạnh sức cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay, Việt Nam có chính sách miễn thị thực cho 16 nước, bao gồm ASEAB, Nhật Bản, Nga, Hàn quốc và 4 nước Bắc Âu, thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực như Thái Lan là 66, Phillippines là 157, Singapore là 158 và Malaysia là 155.
Phương Linh