You are here
Dệt may, da giày hút vốn ngoại trong tháng đầu năm
Dệt may, da giày hút vốn ngoại trong tháng đầu năm
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng một, cả nước đã thu hút được 633,4 triệu USD vốn FDI, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ba dự án có vốn ngoại lớn nhất đều nằm ở lĩnh vực may mặc, gồm 300 triệu USD từ công ty Worldon chuyên sản xuất hàng may mặc cao cấp tại TP HCM; 90 triệu USD của Regina Miracle International vào nhà máy sản xuất áp lót, quần lót nữ tại Hải Phòng; 43,2 triệu USD đầu tư tăng vốn cho nhà máy sản xuất thành phẩm, bán thành phẩm giày thể thao của Taekwang tại Đồng Nai.
Việc nhà đầu tư nước ngoài tăng cường vốn vào lĩnh vực da giầy, dệt may diễn ra trong bối cảnh giá nhân công trong nước ở mức thấp và Việt Nam đã và sắp tham gia nhiều Hiệp định thương mại lớn như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN... Những năm qua, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia cũng tăng cường các đơn hàng sản xuất ở trong nước, tạo ra làn sóng dịch chuyển từ "công xưởng" Trung Quốc sang Việt Nam.
Giải ngân vốn FDI trong tháng đầu năm cũng có tín hiệu quả quan. Tính đến ngày 20/1, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 505 triệu USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2014. Khu vực nước ngoài tiếp tục xuất siêu 690 triệu USD trong tháng một, trong khi cả nước nhập siêu 500 triệu USD.
Với dự án nhà máy may mặc tại TP HCM, British Virgin Islands (một quần đảo thuộc Anh) đang tạm dẫn đầu trong danh sách 15 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong tháng này, tiếp đó là Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc).
Phương Linh