You are here
Đại gia bán lẻ đua làm thương mại điện tử
Đại gia bán lẻ đua làm thương mại điện tử
Theo Bộ Công Thương, 2015 doanh thu của toàn ngành thương mại điện tử Việt Nam đạt hơn 4 tỷ USD. Con số này sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm nay khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này. Đáng chú ý, gần đây các doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ đua nhau phát triển mô hình này với mong muốn đánh chiếm thị phần một cách nhanh nhất.
Là tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc, mới đây Lotte cũng vừa cho ra đời sàn thương mại điện tử lotte.vn. Chia sẻ với VnExpress, ông Choo Dong Woo, Giám đốc quản lý nhóm dự án thương mại điện tử của Tập đoàn Lotte cho biết, sau khi phát triển hệ thống thương mại điện tử thành công ở Hàn Quốc thì Việt Nam là thị trường mà tập đoàn chọn để phát triển hoạt động này thay vì Trung Quốc và Malaysia. Để đầu tư cho trang thương mại điện tử lotte.vn tại Việt Nam, 3 năm đầu tập đoàn sẽ chi khoảng 25 triệu USD và các năm tiếp theo tùy tình hình mà lượng tiền đầu tư sẽ tăng lên.
Thương mại điện tử đang ngày càng trở thành xu hướng. Ảnh minh họa. |
Theo ông Choo, trang thương mại này không chỉ bán các sản phẩm của Lottemart, Lotte Home Shopping, Lotte Department Store... mà còn dành riêng một nhánh cho các nhà cung cấp tại Việt Nam. Trong đó, các sản phẩm ngành hàng điện tử, thời trang, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc bà mẹ và trẻ em, hàng tiêu dùng... được ưu tiên hàng đầu. Hiện, sàn thương mại điện tử này có 3 phiên bản: PC website, Mobile web và app trên di động (trên nền tảng iOS và Android). Khách hàng có thể mua hàng trên mạng và được giao hàng tận nơi hoặc có thể đến các cửa hàng, siêu thị của Lotte để nhận và kiểm tra hàng.
"Mặc dù thị trường thương mại điện tử Việt Nam không dễ chinh phục nhưng với kinh nghiệm 20 năm làm thương mại điện tử tại Hàn Quốc, chúng tôi sẽ đem đến những gì phù hợp với người Việt nhất từ khâu giao hàng, chất lượng sản phẩm cho tới thanh toán. Hiện đội giao hàng trước mắt được thực hiện bởi bên thứ 3, tuy nhiên, từ 2017 trở đi chúng tôi sẽ xây dựng đội ngũ giao hàng mang thương hiệu Lotte Express khoảng 50 người và con số sẽ tăng lên theo lượng đơn hàng. Ngoài ra, công ty còn có đội ngũ chăm sóc khách hàng để đảm bảo giải quyết mọi thắc mắc phát sinh", ông Choo nói và cho biết thêm, dù mới chỉ thử nghiệm tung sản phẩm ra thị trường được một tháng (28/10) nhưng tới nay đã có 70.000 người sử dụng app, 600 nhà cung cấp đăng ký bán hàng. Mỗi tuần website trên có tới 4 triệu lượt truy cập với gần 12 đơn hàng có tổng giá trị là 20 tỷ đồng. Với sự thuận lợi trên ông cũng kỳ vọng sẽ đạt doanh số 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Cũng không đứng ngoài cuộc chơi, sau khi mua trọn Big C Việt Nam, đại gia bán lẻ Thái Lan Central Group cũng đã nhanh tay cho dừng website C Discount vì kinh doanh kém hiệu quả và chuyển toàn bộ đội ngũ nhân viên vào chung hệ thống vận hành của Zalora để tập trung phát triển – đây là một trong những sàn thương mại điện tử đứng top đầu tại Việt Nam và được Nguyễn Kim mua – đơn vị mà đại gia bán lẻ này đang nắm cổ phần lớn.
Theo nguồn tin riêng của VnExpress, với việc thâu tóm Zalora – hệ thống này sẽ giúp Central Group phân phối các mặt hàng bán lẻ của mình, đồng thời, nhanh chân trong cuộc đua thống lĩnh thị trường thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á. Bởi lẽ, theo hãng này xu hướng thương mại điện tử đang ngày càng phát triển và việc mua bán trên mạng sẽ trở thành kênh chủ chốt.
Không chỉ đại gia ngoại mà trong nước, "ông lớn" của ngành bán lẻ Việt Nam, Saigon Co.op cũng không đứng ngoài cuộc chơi thương mại điện tử khi ngày càng tập trung phát triển mạnh mảng này. Không chỉ bán hàng tốt trên website, cuối 2015 đơn vị này cũng bổ sung thêm app mua sắm trực tuyến trên điện thoại di động (trên cả hai hệ điều hành Android và iOS).
Đại diện Sai Gon Co.op cho biết, cho tới nay siêu thị mới chỉ đang chạy thử nghiệm ứng dụng và sẽ sớm cho khách hàng trải nghiệm mua sắm trên app mới. Tính đến 1/10 đã có gần 500.000 lượt tải app. Riêng với hệ thống CoopHomeshopping thì tới nay mỗi ngày có khoảng trên 5.000 người mua sắm qua trang điện tử. Với những ngày giảm giá mạnh, lượng khách hàng đặt mua online có thể tăng lên mạnh hơn so với ngày thường vài chục phần trăm, thậm chí gấp đôi.
Theo các doanh nghiệp, mặc dù mô hình kinh doanh này còn nhiều khó khăn trong thanh toán cũng như vận chuyển, giao hàng nhưng rất tiềm năng và sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Bởi hiện nay, số người dùng internet, đặc biệt là điện thoại di động đã tăng đến 300% mỗi năm và đang mang đến nhiều giải pháp bán hàng hữu hiệu cho doanh nghiệp. Đáng chú ý, chỉ mới vào Việt Nam được 2 năm nhưng các dịch vụ gọi xe qua điện thoại di động đang ngày càng hút khách và trở thành mối đe dọa của doanh nghiệp vận tải truyền thống.
Đánh giá về xu hướng trên, chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử ở TP HCM cho biết, sau một thời gian khởi động, thị trường thương mại điện tử Việt đang đón nhiều thay đổi. Bởi lẽ, không ít doanh nghiệp ra đi vì hoạt động kém hiệu quả, số còn lại đang phải cạnh tranh với không ít ông lớn vừa mới nhảy vào thị trường. Thời điểm này là cuộc đua của những đơn vị có khả năng chạy đường dài, có vốn lớn và kiên nhẫn.
Riêng với các đại gia bán lẻ, khi họ tham gia vào thị trường này sẽ lợi thế hơn vì họ không chỉ có hàng hóa chất lượng mà còn có cả hệ thống phân phối là các cửa hàng nên người dùng sẽ tin tưởng hơn. Lúc này họ sẽ nhanh chân đánh chiếm thị phần của thị trường thương mại điện tử.
Theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường EuroMonitor, số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam đang tăng nhanh, chỉ trong vòng 5 năm (2011-2015) đã tăng từ 28 triệu lên 43 triệu người. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để ngành thương mại điện tử phát triển trong thời gian tới. Nếu xét theo tỷ trọng so với thương mại truyền thống (bán hàng qua siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ…) thì thương mại điện tử chỉ mới đạt 0,25%, giá trị hàng hóa vào khoảng 154 triệu đôla. Theo EuroMonitor, tỷ trọng này sẽ thay đổi và tăng mạnh lên gấp ba lần (khoảng 0,71%) trong năm nay với 900 triệu đôla. |
Thi Hà