You are here

Cửa khẩu 10 năm không hết tắc nông sản

Cửa khẩu 10 năm không hết tắc nông sản

Tại Hội thảo tổng quan tình hình xuất khẩu nông sản quý I/2015 cuối tuần này, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn Thị trường và Ngành hàng - Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng việc ùn tắc nông sản tại cửa khẩu, trong đó có mặt hàng trái cây không phải là câu chuyện mới, mà đã kéo dài suốt hơn 10 năm nay. 

Theo vị này, ngoài thực tế mà cơ quan quản lý nhắc đến trước đó, có nhiều thông tin từ phía đối tác mà Việt Nam chưa nắm được.

dua-hau-6207-1433588282.jpg

Theo IPSARD, cần đặt cơ sở thông tin tại Trung Quốc để kịp thời cảnh báo diễn biến thị trường đối tác về nước nhanh nhất. Ảnh: Quý Đoàn

Cụ thể, hiện Trung Quốc đang dành nhiều ưu tiên để phát triển ngành trái cây. Tại hầu hết các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và thị trường tiêu thụ là thành phố lớn, đều có văn phòng phát triển ngành. Các doanh nghiệp gần như được hỗ trợ cơ sở hạ tầng, kho lạnh, bến bãi... 

Đã có rất nhiều doanh nghiệp từ nhiều ngành nghề khác nhau dành vốn đầu tư vào nông nghiệp, với quy mô lớn, công nghệ mới. Do vậy, tốc độ tăng trưởng trong ngành trái cây của họ rất mạnh. Đặc biệt, Trung Quốc đang có những trái cây vốn là thế mạnh của Việt Nam như: mận, xoài, dưa hấu, vải, thanh long...

Ông dẫn chứng, dưa hấu của Trung Quốc thu hoạch sau Việt Nam một tháng. Quả rất ngọt, mẫu mã khá đẹp, nhưng giá loại ngon nhất tại thành phố Nam Ninh (cách cửa khẩu Hữu Nghị 240 km) chỉ có giá 2,3 nhân dân tệ một kg (tương đương 9.000 đồng). Hay như quả vải, lúc này Trung Quốc đã thu hoạch xong, tuy không ngon bằng vải của Việt Nam, nhưng lịch thời vụ sớm sẽ là bất lợi về giá bán cũng như nhu cầu tiêu thụ vải thiều của Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) tới đây.

"Những thông tin này là cần thiết để cơ quan chức năng cân đối sản  lượng hàng xuất khẩu-điều không hẳn trước đó mọi người đều biết. Nếu chúng ta không có thông tin về đối thủ cạnh tranh thì rất khó giải quyết căn bản câu chuyện ùn tắc nông sản trong thời gian tới", vị này nói.

Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam gần như thu hoạch xong là chuyên chở lên cửa khẩu. Khâu phân loại, đóng gói không được tiểu thương quan tâm khiến giá bán không cao, chưa kể đến việc để bán được hàng, cần thông qua các tài xích (cò biên giới), khiến giá cả bị đội lên.

"Tiểu thương Việt Nam không có đối tác tin cậy, hợp đồng nông sản cũng không có, luôn bị động với người mua hàng từ phía Trung Quốc. Hình thức giao dịch này hiệu quả thấp và cực kỳ rủi ro", vị này nhấn mạnh. 

Ngoài ra, Việt Nam đang gặp không ít áp lực cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc, khi các mặt hàng trái cây cùng loại đang có nhiều nước tham gia xuất khẩu, đáng kể là Thái Lan, Myanmar. Điều này ít nhiều khiến nhu cầu nhập khẩu trái cây Việt Nam từ thị trường rộng lớn Trung Quốc sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới.

Phó viện trưởng IPSARD Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng các thông tin từ phía đối tác là cần thiết để Việt Nam điều chỉnh cung cầu nông sản, trong đó có mặt hàng dưa hấu, vải thiều. Ngoài việc hỗ trợ cung ứng dịch vụ hậu cần xuất khẩu, liên kết nông dân-doanh nghiệp-đối tác uy tín Trung Quốc, cơ quan quản lý cần xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường nông sản Trung Quốc về giá, lịch thời vụ, quy trình nhập khẩu, mạng lưới đối tác uy tín.

Theo ông Tuấn, không chỉ có đội ngũ thông tin tại Việt Nam mà cần phải đặt cơ sở tại Trung Quốc để khi có thông tin từ thị trường đối tác họ sẽ cảnh bảo kịp thời, giúp cơ quan quản lý dự tính sản lượng, giá cả cho từng loại mặt hàng. Ví dụ, khi Trung Quốc giá giảm 10-15%, chứng tỏ họ đang thừa hàng, Việt Nam sẽ điều chỉnh sản lượng phù hợp để xuất đi ngay tại vùng trồng và ngược lại, tránh tình trạng hàng nghìn xe hàng cứ ùn ùn lên cửa khẩu mà không biết bán cho ai.

"Đi buôn với đối tác mà không biết không hiểu họ đang có gì, làm gì, mình cứ tưởng sẽ độc quyền nhưng hóa ra họ có, không cẩn thận Trung Quốc lại xuất khẩu ngược các sản phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam", vị này bày tỏ.

Trịnh Nguyên

Lượt xem: 1,521