You are here

Công ty chứng khoán nội lo thiệt khi thành doanh nghiệp ngoại

Công ty chứng khoán nội lo thiệt khi thành doanh nghiệp ngoại

Tại Hội thảo xây dựng nghị định quy định một số điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán diễn ra tại TP HCM cuối tuần này, hầu hết đại diện các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đều lo ngại sẽ thiệt thòi nếu nới room lên 100% cho nhà đầu tư nước ngoài và chuyển đổi từ công ty chứng khoán nội sang vốn ngoại.

cong-ty-chung-khoan-noi-lo-thiet-khi-thanh-doanh-nghiep-ngoai

Công ty chứng khoán lo ngại mất quyền lợi khi chuyển sang là doanh nghiệp vốn ngoại. Ảnh: MH.

Ông Trịnh Hoàng Giang - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khóa HSC băn khoăn liệu sau khi nới room, công ty chứng khoán chuyển thành tổ chức đầu tư nước ngoài thì có còn được hưởng các chính sách cũng như đối xử như công ty trong nước hay không? Đối với các chính sách thuế, tín dụng, ông Giang cũng sợ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi nếu thực hiện theo cơ chế khác công ty trong nước.

“Ngoài ra, quyền sở hữu tài sản, quyền đi vay và cho vay cũng bị hạn chế. Trong khi đó, công ty chứng khoán có hoạt động cho vay ký quỹ và nhiều đơn vị vẫn phải đi vay để cung cấp dịch vụ này cho khách hàng. Nhưng theo quy định của ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài, công ty ngoại không được phép đi vay để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Như vậy, vô hình chung các công ty chứng khoán có vốn ngoại sẽ thiệt thòi hơn”, ông Giang nói.

Đáp lại lo ngại của ông Giang, ông Nguyễn Thành Long - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho hay, theo Luật đầu tư, tổ chức có trên 51% vốn ngoại thì sẽ phải thực hiện các quy định theo điều kiện thủ tục nhà đầu tư nước ngoài. Còn đối với quy định về chứng khoán, do tỷ lệ đầu tư nước ngoài có nhiều biến động nên tổ chức nước ngoài vẫn được hoạt động và ưu đãi như trong nước nhưng chỉ có hiệu lực trên hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả các quy định, hướng dẫn trong phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng được ở thị trường chứng khoán chứ không trong các lĩnh vực khác. Riêng đối với các quy định về thuế, tín dụng, sử dụng người lao động…, các công ty chứng khoán buộc phải tuân thủ theo quy định trước đó.

Ông Long cũng cho biết thêm, Ủy ban Chứng khoán đã nhiều lần trao đổi với Cục thuế về vấn đề này nhưng chưa có hướng giải quyết cụ thể. Tuy nhiên, thời gian tới, tùy theo tình hình phát triển của thị trường thì cơ quan quản lý sẽ có những giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh những thắc mắc về chính sách, quyền lợi khi chuyển từ công ty trong nước sang công ty 100% vốn ngoại thì vấn đề sáp nhập, hợp nhất của các công ty đầu tư chứng khoán cũng được đông đảo doanh nghiệp quan tâm. Trong đó, các đơn vị đề nghị Ủy ban Chứng khoán đưa ra những tiêu chí phù hợp, quyền lợi rõ ràng hơn trong quy định đối với hoạt động này.

Riêng vấn đề chào bán cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Đây là một hoạt động còn khá mới mẻ trên thị trường chứng khoán, chưa có nhiều doanh nghiệp triển khai. Vì vậy, nhà đầu tư cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần có quy định rõ hơn về cơ chế phát hành, quyền mua lại hay quy định giá trị mua lại…

Hồng Châu

Lượt xem: 1,887