You are here
Cổ đông ACB tiếp tục chất vấn chuyện Bầu Kiên, Huyền Như
Cổ đông ACB tiếp tục chất vấn chuyện Bầu Kiên, Huyền Như
Tại đại hội cổ đông thường niên 2015 của Ngân hàng Á Châu (ACB) sáng 22/4, một cổ đông nữ thắc mắc về khoản nợ cho vay từ 6 công ty liên quan Bầu Kiên với dư nợ còn 2.237 tỷ đồng và khoản đầu tư trái phiếu 2.429 tỷ đồng được xếp vào nợ nhóm 2, trích lập dự phòng 5%. "Vậy khả năng thu hồi 95% còn lại như thế nào?", vị này đặt câu hỏi
Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết, ACB đang trong quá trình thu hồi những khoản cho vay này. Cũng theo ông Toàn, tài sản đảm bảo cho các khoản vay trên nhiều hơn dư nợ, ngân hàng đã tiến hành bán tài sản đảm bảo và thu về khoảng 1.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục bán tài sản, dự kiến thu về gần 3.000 tỷ đồng vào quý II/2015. ACB kỳ vọng thời gian tới bán phần tài sản còn lại đủ để cân đối và thu hồi hết số nợ.
|
Tổng giám đốc Đỗ Minh Toàn cho biết ngân hàng vẫn đang tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để cố gắng thu hồi khoản nợ liên quan đến vụ án Huyền Như. |
Ông Toàn giải thích thêm, ACB có kế hoạch trích lập dự phòng 2.000 tỷ đồng trong năm 2015, cũng là tính đến các tình huống xấu nhất có thể lấy ra xử lý dứt điểm khoản nợ và đảm bảo đạt được kế hoạch lợi nhuận đã đề ra 1.300 tỷ đồng.
Về phần dư nợ liên quan đến Huyền Như, ông Toàn cho biết tòa phúc thẩm kết luận bị cáo phải chịu trách nhiệm cho các thiệt hại của ngân hàng và ACB sẽ theo đuổi vụ án đến cùng. "Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để cố gắng thu hồi khoản tiền này", ông Toàn nói.
Kế hoạch 2015, ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản, tiền gửi, cho vay đồng loạt ở mức 13%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận trước thuế hơn 1.300 tỷ đồng. Hết quý I/2015, lợi nhuận ngân hàng đã đạt 359 tỷ đồng, tín dụng tăng hơn 3%.
Lãnh đạo ACB cho biết thêm, năm 2016 khi ngân hàng đã xử lý gần như hoàn toàn các tồn đọng của quá khứ thì có thể đạt mức lợi nhuận khoảng 3.000 tỷ đồng (bằng thời kỳ hoàng kim trước đây của ACB).
Về bán nợ cho VAMC, lãnh đạo nhà băng cho biết năm 2014 nợ xấu dưới 2,2% và không thuộc diện bắt buộc phải bán nợ. Tuy nhiên để chủ động xử lý, ACB đăng ký sẽ bán 1.000 tỷ đồng các khoản nợ đã được phân loại. Chủ trương của ngân hàng là xử lý tài sản đảm bảo có hiệu quả. Và hiện tại ACB chưa có kế hoạch mua bán, sáp nhập nhưng trong tương lai nếu có cơ hội, Hội đồng quản trị sẽ nghiên cứu và trình cổ đông sau.
Tại đại hội, Hội đồng quản trị cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch lập công ty tài chính, có thể dưới hình thức mua lại hoặc thành lập mới với các hoạt động gồm tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, bao thanh toán. Vốn điều lệ của công ty tài chính dự kiến là 500 tỷ đồng.
Đại hội cổ đông của ACB sáng nay cũng đã thông qua việc từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của ông Alain Xavier Cany và bầu bổ sung ông Dominic Scriven vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2013 - 2017. Ông Dominic từng là thành viên HĐQT của ACB trong giai đoạn 2008 - 2011. Hiện tại ông là cổ đông sáng lập và Giám đốc điều hành của Dragon Capital Group.
Trong năm 2014 tổng tài sản của ACB tăng 8%, tín dụng tăng 9% và huy động vốn tăng 12%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 12%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,2% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2013 và vượt 2% so với kế hoạch đề ra. Với mức lợi nhuận này, ngân hàng trình phương án chia cổ tức năm 2014 là 7% bằng tiền mặt, tương đương 700 đồng mỗi cổ phiếu, dự kiến sẽ chi trả vào tháng 5.
Khoản nợ liên quan đến nhóm 6 công ty Bầu Kiên tổng cộng là hơn 7.000 tỷ đồng. Trong năm 2012, đã thu được hơn 1.200 tỷ đồng. Số nợ còn lại được ACB đề cập tại báo cáo tài chính hợp nhất 2014 cho biết dư nợ còn lại là hơn 2.237 tỷ đồng và hơn 2.429 tỷ đồng liên quan đến các khoản đầu tư vào chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn, góp vốn, đầu tư dài hạn và các khoản phải thu với các công ty này.
Báo cáo cho biết, các khoản nợ trên tính đến ngày 31/12/2014 được phân vào nhóm 2 - nợ cần chú ý. Việc trích lập dự phòng được tiến hành theo Thông tư 02 và Thông tư 09, tức trích lập dự phòng 5%.
Lệ Chi