You are here

CEO FamilyMart: Chưa bao giờ có ý định rời thị trường VN

CEO FamilyMart: Chưa bao giờ có ý định rời thị trường VN

Năm 2013, thị trường bán lẻ Việt Nam xôn xao khi đại gia bán lẻ Nhật Bản FamilyMart quyết định bán lại toàn bộ 49% cổ phần sở hữu trong chuỗi 42 cửa hàng tiện lợi trên cả nước. Nhiều đồn đoán cho rằng nguồn cơn của quyết định là kinh doanh thua lỗ và thị trường Việt Nam khó kiếm lời. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress mới đây, Tổng giám đốc Công ty TNHH Family Mart Việt Nam - Kigure Takehiko cho biết thương hiệu này chưa có ý định rút lui khi "cuộc chiến mới chỉ bắt đầu".

- Sau khi bán lại 49% cổ phần trong chuỗi cửa hàng liên doanh với Tập đoàn Phú Thái, nhiều thông tin cho rằng FamilyMart muốn rút khỏi Việt Nam. Ông bình luận gì về điều này?

- Thực ra lúc đó, chúng tôi không hề muốn bán chuỗi 42 cửa hàng mà mình và đối tác dày công xây dựng. Tuy nhiên, đối tác Việt Nam trước đó đã bán cổ phần cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan - đơn vị đang tiến hành mua chuỗi Metro. Khi cùng nhau phát triển và trao đổi về hướng kinh doanh, chúng tôi không cùng quan điểm và phương hướng nên cảm thấy khó hợp tác. Cuối cùng hai bên thương thuyết chấm dứt quan hệ và ra quyết định chỉ một bên điều hành hệ thống. Công ty đã lựa chọn bán toàn bộ cổ phần để BJC toàn quyền điều hành 42 cửa hàng.

Sở dĩ đưa ra quyết định như vậy vì chúng tôi nhận thấy có thể phát triển nhanh số lượng 42 cửa hàng đó chỉ trong một năm. Công ty chưa bao giờ có ý định rời thị trường Việt Nam và chúng tôi cũng không thiếu tiền đầu tư. Minh chứng rõ nét nhất là tháng 7/2013 chúng tôi đã mở cửa hàng đầu tiên với thương hiệu FamilyMart. Đến tháng 6/2014, công ty nâng số lượng lên 42 cửa hàng và cho tới nay là 70 cửa hàng.

FAMILY-MART_1421633965.jpg

Hiện FamilyMart đang có 70 cửa hàng tại Việt Nam chỉ sau hơn một năm tái đầu tư. Ảnh: LT

- Ông đánh giá như thế nào về thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và mô hình cửa hàng tiện lợi nói riêng?

- Chúng tôi nhận thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với dân số 90 triệu dân. Mặt khác, chi phí đầu tư tại Việt Nam thấp hơn so với một số nước Đông Nam Á khác. Đây là môi trường đầu tư đầy tiềm năng và hứa hẹn về một quy mô thị trường lớn.

Riêng với phân khúc cửa hàng tiện lợi, cuộc "đánh chiếm" mới chỉ bắt đầu. Bởi, tới nay, cả thị trường Việt Nam chỉ có hơn 400 cửa hàng. Trong khi đó, Thái Lan với dân số 60 triệu người đã có 10.000 cửa hàng tiện lợi; Nhật Bản với 130 triệu dân có tới 50.000. Do vậy, tôi dự đoán thị trường Việt sẽ lớn hơn Thái Lan rất nhiều và chỉ sau 10 năm số lượng này có thể lên tới 15.000 cửa hàng trên khắp cả nước.

- Thị trường Việt được đánh giá là hấp dẫn, vậy, các ông đã và đang chuẩn bị như thế nào cho việc tham gia “đánh chiếm”, khi mà xung quanh xuất hiện khá nhiều đối thủ lớn?

- Cho tới nay chúng tôi đã đầu tư vào Việt Nam 15 triệu USD, trung bình mỗi cửa hàng chi khoảng 1,5-2 tỷ đồng.

Với kinh nghiệm phát triển mô hình theo hướng hiện đại, có chuỗi cửa hàng đứng thứ 2 trên thế giới, chúng tôi đang khá thuận lợi khi phát triển tại Việt Nam. Điểm khác biệt của FamilyMart là đề cao việc chăm sóc khách hàng với việc huấn luyện và đội ngũ nhân viên nhiệt tình, hiểu biết. Đồng thời, đẩy mạnh các sản phẩm tiện lợi, trong đó, phát triển các loại thực phẩm ăn nhanh ngay tại cửa hàng như sushi, lẩu hot pot, đồ chiên, bánh bao, sandwich...; mở rộng không gian ăn uống cho khách hàng.

Mục tiêu của chúng tôi đến hết năm 2015 sẽ có 100 cửa hàng, 2020 khoảng 800-1.000 cái và mục tiêu tiến tới 5.000 chi nhánh trong tương lai, tương đương chiếm trên 30% thị phần, đứng đầu trong kinh doanh cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam. Đặc biệt, thay vì phải mất 8 năm mới có lãi ở thị trường Thái Lan, Hàn Quốc, và 17 năm tại Trung Quốc, thì riêng Việt Nam chúng tôi dự tính 2019 sẽ có lãi. Bởi lẽ, với kinh nghiệm triển khai ở nhiều thị trường chúng tôi đã biết cách rút ngắn thời gian lỗ bằng việc cân đối đầu tư.

- Hiện nay khá nhiều ông lớn bán lẻ nội và ngoại đang lên kế hoạch tấn công thị trường cả thành thị và nông thôn, còn các ông thì sao?

- Chúng tôi muốn tạo nền tảng vững chắc nên trước mắt tập trung phát triển ở các thành phố lớn như TP HCM và các vùng lân cận, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Trong đó, TP HCM là chủ lực, còn đối với Hà Nội, Hải Phòng chúng tôi sẽ tiến ra đó vào năm 2016.

Hiện nay, tại TP HCM, diện tích bình quân mỗi cửa hàng khoảng 70m2. Tuy nhiên, tùy từng địa điểm mà chúng tôi có quy mô khác nhau. Ngoài ra, công ty xây dựng cửa hàng theo 2 nhóm khách hàng. Đối với khu vực đa phần là người Việt chúng tôi sẽ cung cấp 95% là hàng nội địa. Riêng với khu có người Nhật sinh sống thì ngoài 2.500 sản phẩm của Việt Nam và một số nước khác thì FamilyMart bổ sung hơn 1.000 mặt hàng xuất xứ Nhật Bản.

FamilyMart là chuỗi cửa hàng tiện lợi lần đầu tiên ra mắt tại Nhật Bản năm 1981 và đang đứng thứ 2 trên thế giới với 17.000 cửa hàng, và chỉ đứng sau 7-Eleven (Thái Lan). Thương hiệu này vào Việt Nam tháng 12/2009 thông qua liên kết xây dựng chuỗi 42 cửa hàng với Tập đoàn Phú Thái.  

Thi Hà

Lượt xem: 1,808