You are here
Cần luật riêng để xử lý nợ xấu
Cần luật riêng để xử lý nợ xấu
Ý tưởng này cần có một đạo luật riêng cho xử lý nợ xấu một lần nữa được các chuyên gia ngân hàng nêu lên tại hội thảo “Xử lý nợ xấu – những nút thắt cần tháo gỡ” diễn ra ngày 26/10. Câu chuyện này từng được nêu ra cách đây vài năm, khi "cục máu đông" nợ xấu ở mức đỉnh điểm. Khi đó, các chuyên gia cho rằng luật này sẽ trao quyền đặc biệt để xử lý nợ xấu, có hiệu lực trong khoảng thời gian nhất định và tự động hết hạn khi nợ xấu được "quét" sạch. Tuy nhiên, ý tưởng đã không nhận được nhiều quan điểm đồng tình.
"Bối cảnh hiện tại đã khác. Nợ xấu không chỉ còn là bệnh của ngân hàng, mà đã lây lan", TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cảnh báo. Ông cũng cho rằng trong lúc nguồn lực hạn hẹp, tiền không có thì cần trao cho VAMC, ngân hàng cơ chế để xử lý nợ xấu.
Cơ chế cụ thể và được coi là “bảo bối” được luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico - đề cập là cần ban hành một đạo luật riêng cho vấn đề này. “Nếu không có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để xử lý, thì sẽ có nguy cơ kéo dài số năm giải quyết lên trên một chữ số”, ông nói.
Các chuyên gia yêu cầu công bố con số thực tỷ lệ nợ xấu của nền kinh tế. |
Ngoài đột phá về cơ chế, nhìn vào tỷ lệ xấu toàn hệ thống ngân hàng tới cuối tháng 9 là 2,62% - trong giới hạn cho phép, luật sư Đức đề nghị phải công khai số liệu nợ xấu thực. Theo ông Đức, tỷ lệ nợ xấu được công bố chính thức luôn “nằm trong chuẩn đẹp”, số thực tế cao hơn nhiều. Chính vì con số công bố đẹp, dưới chuẩn cho phép, nên không ai cảm thấy cần phải xử lý “cục máu đông” này.
“Tỷ lệ nợ xấu thật sự theo đúng chuẩn hiện nay khó có thể tin rằng chỉ là 1 chữ số, do đó nợ xấu vẫn đang là một nguy cơ rất lớn của nền kinh tế”, Chủ tịch Basico bình luận.
Đưa ra tính toán của mình, TS. Cấn Văn Lực - hàm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay, tỷ lệ nợ xấu hiện khoảng 7%. Còn dữ liệu IMF tính toán về nợ xấu của Việt Nam lên tới hơn 10%. “Phải chốt lại con số nợ xấu để biết quy mô thực thế nào, và phải có đột phá trong xử lý nợ xấu”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Đột phá nữa được vị này nhắc tới là thị trường mua bán nợ. “Kinh nghiệm Thái Lan, Malaysia chỉ thành công khi nợ được bán theo giá thị trường. Vì thế, dứt khoát phải bán theo giá, cơ chế thị trường và phải chấp nhận có lãi, lỗ”, ông Lực nói.
Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, cơ chế dù quan trọng nhưng không có tiền cũng khó xử lý nợ xấu. Vị này đề xuất, ngân sách tạm ứng cho VAMC một khoản tiền 5.000–10.000 tỷ đồng. Cùng với hình thành thị trường mua bán nợ, sau khi VAMC kinh doanh, có lãi thì trả lại ngân sách.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý các tổ chức tín dụng (VAMC), ba năm sau ngày thành lập VAMC đã được trên 25.000 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ gốc hơn 262.050 tỷ, giá mua nợ gần 228.000 tỷ. Tới cuối tháng 8/2016, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 548.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó trên 57% là do các ngân hàng tự xử lý, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức cá nhân khác). |