You are here

Các đại gia BOT lãi lớn nhờ làm đường mở trạm thu phí

Các đại gia BOT lãi lớn nhờ làm đường mở trạm thu phí

Trong các doanh nghiệp kinh doanh BOT tại Việt Nam, Tasco được xem là một trong những tên tuổi lớn nhất khi công ty cổ phần này đứng sau hàng loạt dự án BOT trên các trục đường khắp các tỉnh Nam Định - Thái Bình - Hà Nội...

Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực hạ tầng và bất động sản, Tasco có lịch sử thành lập lâu năm, song trước các dự án BOT, doanh nghiệp này kinh doanh không mấy hiệu quả, lợi nhuận ở mức thấp.

cac-dai-gia-bot-lai-lon-nho-lam-duong-mo-tram-thu-phi

Trạm thu phí với các mức phí đắt đỏ được mọc lên ở khắp mọi nơi.

Tuy nhiên từ khi tham gia đầu tư vào hàng loạt dự án BOT như Nâng cấp quốc lộ 10 qua đoạn Thái Bình, đoạn tuyến tránh thành phố Nam Định từ Quốc lộ 10 đến Thị trấn Mỹ Lộc, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình, Quốc lộ 10 đi Hải Phòng, đường 39B Thái Bình, tuyến tránh Đông Hưng (Thái Bình)… Tasco đã ghi nhận những kết quả kinh doanh ấn tượng khi các tuyến đường dần hoàn thành.

Cụ thể trong quý I/2016, doanh thu từ BOT của công ty tăng 148% so với cùng kỳ, lên 99 tỷ đồng, trong khi giá vốn được ghi nhận khoảng 45 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận này góp phần đáng kể giúp Tasco lãi đột biến trong quý I/2016 lên 84 tỷ đồng, tăng 1.392% so với cùng kỳ.

Nhận thấy tiềm năng lớn, Tasco liên tục rót vốn và tiếp tục triển khai những dự án như: Xây dựng đường Hồ Chí Minh (từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn) và nâng cấp Quốc lộ 32; Đường tránh thành phố Nam Định…

Với phần lớn các dự án này, hầu hết các hạng mục là cải tạo, nâng cấp nên chi phí mà Tasco phải bỏ ra không quá lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp lại được ưu tiên vay vốn cố định lãi suất để triển khai nên hiệu quả đầu tư được đánh giá là hết sức khả quan.

Công ty hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) cũng là một đại gia trong lĩnh vực xây dựng cầu đường với hàng loạt dự án như mở rộng Xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Quốc lộ 60, mở rộng quốc lộ 1A qua tỉnh Ninh Thuận, cầu Rạch Chiếc… Công ty cũng vừa mới thành lập Công ty TNHH Đầu tư đường trên cao số 1 nhằm thực hiện dự án cao tốc dài 9,5km nối Sân bay Tân Sơn Nhất với Thủ Thiêm và cửa ngõ Đông bắc TP HCM.

5 tháng đầu năm 2015, CII thu về 321 tỷ đồng tiền thu phí, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong năm 2015 mức doanh thu thu phí giao thông cũng đạt 592 tỷ đồng, năm 2014 là 528 tỷ. Mỗi năm công ty thu hàng trăm tỷ đồng lãi từ các dự án BOT này.

Ban lãnh đạo CII cho biết, doanh thu thu phí đang tăng gấp đôi so với dự báo năm 2016 của công ty, duy trì ở mức 2 con số. Những năm tới khi các dự án BOT của CII hoành thành, doanh thu thu phí của công ty sẽ tăng mạnh.

Mới đây chuyện nội bộ bất hoà của Công ty BOT Pháp vân - Cầu Giẽ đã vô tình cho thấy mức doanh thu khủng vượt xa mức bình quân 1,2 tỷ đồng theo báo cáo của chủ đầu tư. Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) là cổ đông của Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã thuê một đơn vị độc lập kiểm tra hoạt động thu phí tại tuyến đường này. Kết quả cho thấy, mỗi ngày tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu về khoảng 7,5 tỷ đồng phí giao thông. Với mức phí phương tiện thu từ 45.000 đến 180.000 đồng, mỗi năm nhà đầu tư có thể thu cả nghìn tỷ đồng trên tuyến cao tốc này.

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư cho 2 giai đoạn của dự án chỉ khoảng 6.731 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn tới 17 năm. Như vậy, so với số vốn bỏ ra và nguồn thu phí thực tế mà Cienco1 cung cấp là siêu lợi nhuận khi đầu tư dự án BOT.

Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29 km, khởi công cải tạo nâng cấp và triển khai thu phí tháng 10/2015. Cổ đông lớn nhất tại dự án có số vốn điều lệ lên tới 823 tỷ đồng này là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát nắm giữ tới 65%. Theo báo cáo tài chính của Cienco năm 2015, giá trị thực tế của khoản góp vốn 40 tỷ đồng (18%) vào BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã tăng lên 148 tỷ đồng. Với khoản chênh lệch này, ước tính lợi nhuận năm 2015 BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ khoảng hơn 500 tỷ đồng.

Cienco 1 cũng là một "ông trùm" của ngành giao thông cầu đường. Trong những năm qua, công ty liên tục đầu tư, góp vốn vào các dự án giao thông, hạ tầng. Hiện công ty còn góp vốn vào Công ty BOT Bạch Đằng, Công ty BOT đường tránh Thanh Hoá, BOT Việt Trì...

Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư nổi tiếng trong giới BOT là Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI)… Đây là các công ty đang thực hiện thu phí giao thông trên các tuyến đường cao tốc đắt đỏ nhất Việt Nam như: Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, tuy nhiên, các chủ đầu tư này lại hạn chế công khai tài chính ra công chúng. Thực tế, đầu tư BOT đã trở thành cơn sốt, dự án mọc lên như nấm. Giới đầu tư tư nhân trước đây không hề mặn mà với hạ tầng của Nhà nước, giờ đây đã chạy đua mở các dự án BOT.

Những năm gần đây, ngành giao thông thực hiện chủ trương huy động vốn tư nhân đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Hiệu quả của chính sách ai cũng nhìn thấy rõ là giao thông hiện đại, nhiều tuyến cao tốc mới được mở ra, các tuyến đường cũ nát được nâng cấp, mở rộng. Điều này gián tiếp thúc đẩy kinh tế phát triển. Với phương thức thu hồi vốn bằng hình thức thu phí, các chủ đầu tư đua nhau lập trạm thu phí. Có những tuyến đường vài km có tới 3 trạm thu phí. Dư luận đã lên tiếng nhiều lần về vấn đề thu phí đắt đỏ.

Nói là huy động vốn đầu tư từ tư nhân vào hạ tầng, song đông đảo các nhà đầu tư BOT trong tình trạng "tay không bắt giặc". Nhiều dự án, chủ đầu tư chỉ có 15-20% vốn, còn lại đi vay ngân hàng. Chẳng hạn, dự án mở rộng đoạn Quốc lộ 1 qua Bình Thuận có tổng vốn đầu tư gần 2.600 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư chỉ có 400 tỷ đồng, còn lại là đi vay. Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn đi Phú Yên có vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư cũng chỉ có 280 tỷ. Hưởng ứng lại, các nhà băng cũng khá "cởi mở" với các dự án BOT khi dòng tiền đổ vào lĩnh vực này rất lớn, bởi lãi suất cho các dự án BOT thường được cố định cao hơn so với thị trường và ở mức 10-12% một năm.

Lượt xem: 1,066