You are here

Bùng nổ quỹ khởi nghiệp tại Việt Nam

Bùng nổ quỹ khởi nghiệp tại Việt Nam

Sau hơn một tháng thành lập quỹ, ông Trần Hữu Đức - Giám đốc quỹ FPT Ventures cho biết đến nay đã nhận được trên 150 hồ sơ mời gọi vốn, trong đó, có 2 hồ sơ của người nước ngoài. Việc mỗi ngày quỹ nhận được từ 2-3 hồ sơ cho thấy nhu cầu vốn cho khởi nghiệp tại Việt Nam đang rất lớn.

Theo chia sẻ của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, mỗi năm doanh nghiệp sẽ đầu tư vào quỹ 3 triệu USD. FPT Ventures sẽ tập trung hỗ trợ vốn, kỹ năng về công nghệ và kinh nghiệm quản lý cho các dự án khởi nghiệp quy mô dưới một triệu USD. Còn theo ông Đức, các hồ sơ gửi về hiện đang được quỹ xem xét và phân tích.

“Hồ sơ được đánh giá dựa trên thông tin mà các nhà sáng lập cung cấp theo mẫu, hoặc các bản thuyết trình gửi qua e-mail. Với những start-up mà chúng tôi thấy hấp dẫn thì sẽ hẹn làm việc trực tiếp để trao đổi kỹ thêm về ý tưởng”, đại diện FPT Ventures cho hay.

Không chỉ các tổ chức lớn như FPT hào hứng với việc đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, nhiều cá nhân khác cũng bỏ vốn để tìm kiếm các dự án tiềm năng, bởi với họ, đây chính là khoản đầu tư sinh lời lớn trong tương lai. Lãnh đạo một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết sau hơn một năm chuẩn bị, ông và một số người bạn đang cùng kinh doanh trong mảng dịch vụ Internet đã kêu gọi được một lượng vốn khoảng 50 tỷ đồng và quyết định mở một quỹ đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ.

“Quỹ muốn tìm những người thực sự có chí hướng, biết tư duy và hiểu giá trị của đồng tiền để hợp tác đầu tư. Nếu dự án có ý tưởng tốt, quỹ sẽ rót vốn, đến khi hoạt động trơn tru thì công ty sẽ có thêm khả năng thu hút thêm vốn từ bên ngoài”, ông nói.

Theo các chuyên gia, kể từ sau bong bóng dotcom, cơn sốt khởi nghiệp đang bùng nổ trên thế giới, đặc biệt ở Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh nhất khu vực, có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư mạo hiểm lớn chưa từng có.

Riêng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước đã nhận được hàng triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, tháng 3/2015, Cốc Cốc - một công ty khởi nghiệp của 3 lập trình viên Việt Nam đã nhận được khoản đầu tư 14 triệu USD từ tập đoàn truyền thông Hubert Burda (Đức). Trong đó, Hubert Burda đầu tư 10 triệu USD, số còn lại đến từ các nhà đầu tư khác, trong đó có cả các nhà quản lý cao cấp của Burda với tư cách cá nhân.

Quỹ CyberAgent (Nhật Bản) mới đây cũng rót thêm tiền vào Công ty cổ phần VeXeRe - một dự án start-up trong lĩnh vực công nghệ vận hành hệ thống đặt vé xe khách trực tuyến. Tuy không công bố chi tiết số tiền đầu tư, song CyberAgent là tên tuổi khá quen thuộc ở Việt Nam khi đã có nhiều khoản đầu tư cho các công ty trong giai đoạn mới hình thành như Tiki, NCT - đơn vị sở hữu website nghe nhạc trực tuyến Nhaccuatui.com...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay làn sóng khởi nghiệp đang là một xu hướng chủ đạo để tạo nên sức bật mới cho nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, do đó, rất cần những hỗ trợ về vốn, cơ chế chính sách để phong trào này phát triển mạnh mẽ thời gian tới.

“Cần có chính sách để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên và trợ giúp thành lập các doanh nghiệp mới dựa trên nền tảng sáng tạo công nghệ”, ông Lộc nói.

Trong bối cảnh này, Chính phủ cũng đã xây dựng hành lang pháp lý và những ưu đãi cho khởi nghiệp phát triển. Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư cho hay các dự án liên quan đến ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao, ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư của Nhà nước. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có những quy định chi tiết về việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Trên thế giới, quỹ đầu tư mạo hiểm là mô hình rất có hiệu quả được thiết lập nhằm tạo kênh tài chính bổ sung cho tín dụng ngân hàng và huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hình thức còn rất mới mẻ. Do đó, ban soạn thảo Nghị định cho rằng với việc quy định chi tiết trong luật, Việt Nam sẽ thu hút thêm tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao tại Việt Nam.

Nguồn vốn được huy động từ quỹ đầu tư mạo hiểm chủ yếu được sử dụng để tham gia hoặc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại hoặc các công ty hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, có nhu cầu đổi mới công nghệ.

"Việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng là cơ sở để Việt Nam xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mạnh", ông Lộc nhấn mạnh.

Phương Linh

Lượt xem: 1,561