You are here
Bóng ma Đại suy thoái ám ảnh nước Mỹ
Bóng ma Đại suy thoái ám ảnh nước Mỹ
Các chiến lược gia tại phố Wall đang lo lắng Ngân hàng Trung ương Mỹ quá thận trọng khi sợ mắc sai lầm như những người tiền nhiệm. Việc này khiến họ có thể bỏ lỡ cơ hội mười mươi để bình thường hóa chính sách tiền tệ sau 7 năm nới lỏng.
"Rất nhiều nhà hoạch định chính sách và nhà quan sát thị trường khẳng định rủi ro FED nâng lãi suất quá sớm sẽ còn cao hơn nâng muộn. Đây là ám ảnh từ năm 1937, khi FED nâng lãi quá sớm, làm trầm trọng thêm Đại suy thoái. Nhưng tại sao họ cần phải ám ảnh đến thế chứ?", Michael Arone - Giám đốc điều hành kiêm chiến lược gia đầu tư tại State Street Global Advisors nhận xét.
"Phần lớn nhà đầu tư cho rằng duy trì lãi suất thấp sẽ có lợi cho cả chứng khoán và trái phiếu. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là FED đang có cơ hội tốt để chứng minh điều ngược lại", Arone cho biết.
FED lo ngại thắt chặt chính sách quá nhanh sẽ gây ra tình trạng như Đại suy thoái 1939. Ảnh: World |
Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) thuộc FED sẽ bắt đầu phiên họp chính sách 2 ngày trong hôm nay. Chỉ vài tháng trước, đây còn được coi là cuộc họp sẽ công bố đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED trong 9 năm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến đã khiến việc này bị trì hoãn.
Hiện nhà đầu tư lại kỳ vọng FED sẽ tăng lãi vào tháng 12. Trong khi Arone không cho rằng FED nên hành động ngay, ông tin rằng rủi ro của sự chờ đợi quá lâu sẽ lấn át cả việc thắt chặt quá sớm.
"Rủi ro trong môi trường này đang tăng lên, chứ không phải giảm đi. FED càng bám trụ với con đường này, họ sẽ càng phải thắt chặt mạnh tay và giá tài sản sẽ biến động càng dữ dội", ông cho biết.
Mấu chốt của sự sợ hãi này là chống bình thường hóa lãi suất đến quá sớm, khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. FED đã đặt mục tiêu lãi suất ngắn hạn xuống gần 0% trong khủng hoảng tài chính và đã duy trì việc này từ cuối năm 2008.
Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính đã chấm dứt năm 2009, còn chính sách này vẫn chưa thay đổi. Ngoài việc duy trì lãi suất gần 0%, FED còn tích cực mua trái phiếu để nới lỏng tiền tệ, khiến bảng cân đối kế toán phình lên 4.500 tỷ USD. Những động thái này đã giúp thị trường chứng khoán tăng thêm 220% đến nay.
Arone cho rằng năm 1937 và 2015 không hề giống nhau. Trước đây, bối cảnh là giá tiêu dùng giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Tình hình hiện tại hoàn toàn ngược lại. Nếu giống thì phải là năm 1999, khi đó, FED cũng phải can thiệp để lèo lái kinh tế Mỹ qua bong bóng dot-com.
"FED đã phải đợi quá lâu để nâng lãi suất năm 1999. Vào đợt tăng lãi đầu tiên, lạm phát đã bắt đầu tăng tốc rồi. Hậu quả là, họ phải thắt chặt với tốc độ nhanh hơn dự kiến. 9 tháng sau lần tăng lãi đầu tiên, thị trường chứng khoán sụp đổ", ông nói.
FED chưa bao giờ nới lỏng lâu như lần này. Hậu quả là đường thoát của họ càng gập ghềnh. Điều tươi sáng nhất nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào lúc này là tình hình hiện tại không tệ như trong quá khứ.
"Việc FED thoát lãi suất gần 0% trong năm nay còn lâu mới tạo ra bi kịch như năm 1937. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, niềm tin nhà đầu tư vào phục hồi kinh tế cũng được củng cố khi thị trường nhà ở, hoạt động cho vay và hoạt động của doanh nghiệp nhỏ đang tăng", Michael Hartnett - chiến lược gia tại Bank of America Merrill Lynch nhận xét.
"Quan điểm của chúng tôi là cho đến khi tình hĩnh vĩ mô tại Mỹ mạnh lên một cách rõ ràng, cho phép FED tăng lãi suất an toàn, nhà đầu tư sẽ vẫn phải chịu lợi nhuận nghèo nàn, các phiên giao dịch biến động lớn và những vụ sụp đổ bất chợt", ông cho biết.
Trên thực tế, những công ty phải dựa vào nợ giá rẻ để giữ lãi vay thấp và tăng lợi nhuận sẽ phải đối mặt với tương lai thách thức hơn. Hartnett khuyên các khách hàng nên cẩn trọng với các cổ phiếu ngân hàng. Nếu khi lãi suất cao, chúng cũng tăng giá, tức là các chính sách của FED đã có tác dụng. Còn nếu không, hãy thận trọng.
Môi trường kinh tế đã thay đổi đáng kể từ khi chính sách lãi suất 0% có hiệu lực. Tài sản ròng của các hộ gia đình đang tăng từ 62.500 tỷ USD năm 2010 đến 84.900 tỷ USD năm 2015. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đã giảm từ 10% xuống 5,5%. Tỷ lệ vỡ nợ tín dụng tiêu dùng cũng đã giảm xuống dưới 1%, từ 5,5% tháng 5/2009, theo S&P Capital IQ.
Dù GDP có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng 3% năm nay, điều kiện hiện nay cũng không còn phù hợp với những chính sách thời khủng hoảng nữa. "Lãi suất gần 0% rõ ràng đã chấm dứt khủng hoảng. Nhưng kinh tế Mỹ không còn trong tình trạng khẩn cấp như năm 1937 nữa. Tại sao chúng ta còn cần các chính sách tiền tệ như thế chứ?", Arone nói.
Hà Thu (theo CNBC)