You are here
Bộ trưởng Tài chính sốt ruột khi tăng trưởng GDP khó đạt 6,7%
Bộ trưởng Tài chính sốt ruột khi tăng trưởng GDP khó đạt 6,7%
Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/7 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và định hướng triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng tỏ ra lo lắng và sốt ruột khi tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 khó đạt mục tiêu 6,7%.
Trước đó, báo cáo của cơ quan quản lý cho biết tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với mức 6,32% cùng kỳ năm trước. Để đạt mức tăng 6,7% cả năm mà Quốc hội giao thì trong nửa cuối năm, GDP phải tăng gần 7,6%. Điều này được đánh giá là khó khả thi, đặc biệt trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá trong 6 tháng cuối năm.
"Theo tính toán thì GDP cả năm 2016 đạt 6% là tốt, 6,3-6,5% là rất tốt nhưng để đạt 6,7% thì rất khó khăn", Bộ trưởng đánh giá. Vị trưởng ngành tài chính nhấn mạnh nếu GDP không đạt được mục tiêu tăng 6,7% sẽ tác động rất lớn tới mục tiêu vĩ mô của ngân sách, nhất là vấn đề bội chi và nợ công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lo lắng, nếu GDP cả năm 2016 không đạt 6,7% cân đối ngân sách sẽ bị ảnh hưởng lớn. |
“Số tuyệt đối vẫn thế nhưng nếu mẫu số bé đi thì chỉ số bội chi hay nợ công lại tăng lên. Dù rất sốt ruột nhưng còn dư địa thời gian để chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu tăng GDP 6,7%. Do đó, phải cố gắng để đạt được dù khó khăn. Điều này vô cùng hệ trọng với các mục tiêu vĩ mô của ngân sách”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sốt ruột.
GDP tăng thấp, theo giải thích của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng chủ yếu do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng và xuất khẩu. Theo đó, nông - lâm nghiêp và thuỷ sản nửa đầu năm 2016 sụt giảm 0,18%, trong khi cùng kỳ năm 2013 là 2,53%, năm 2014 là 3,4% và năm 2015 là 2,41%. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm cũng tăng 5,9%, thấp hơn mức 9,3% cùng kỳ cũng như chỉ tiêu tăng 10% theo nghị quyết của Quốc hội.
"Tăng trưởng xuất khẩu thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay. Xuất khẩu giảm chủ yếu về giá với một số mặt hàng chủ lực (dầu thô, cà phê, hạt tiêu…) và khả năng cạnh tranh kém. Việc tiếp cận chính sách phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh dù đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo, song vẫn còn rất chậm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.
Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội - Đỗ Bá Tỵ băn khoăn trước bối cảnh khó khăn và thời gian còn lại không nhiều, liệu việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội có khả thi. “Nhân dân không chấm điểm ở khoản vất vả, mà chấm điểm ở khâu kết quả. Vì thế, cần có đánh giá sâu hơn nữa, giống như người lính biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng”, vị Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng ý với quyết tâm chưa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của Chính phủ, phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Chính phủ phải chỉ rõ chính sách cụ thể để đạt mục tiêu tăng GDP. “Tôi cho rằng, không có chính sách nào khác ngoài tăng tổng cầu", bà Ngân nói. Muốn vậy thì phải tăng đầu tư, nhưng dư địa không còn nhiều. Khó khăn này Chính phủ phải đánh giá sát để có giải pháp ứng phó.
Hàng loạt dự án nghìn tỷ đắp chiếu
Ngoài lo lắng về tăng trưởng, báo cáo trước các thành viên thường trực Quốc hội, lãnh đạo Uỷ ban Kinh tế cũng nêu quan ngại khi những tháng đầu năm đã xuất hiện nhiều hơn những dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng hay việc làm, không nộp ngân sách, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước.
Cụ thể như Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng, nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỷ. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex - thuộc Tập đoàn Dầu khí) đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động...
Báo cáo cũng nhắc đến dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai. Hoặc Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.
Giải trình thêm trước các thành viên thường trực Quốc hội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm soát các dự án đầu tư, từ chủ trương, lên dự toán, tới thực hiện dự án…, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng.
Riêng với chuyện lạm dụng thu phí tại các trạm BOT, Phó thủ tướng quả quyết Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát, đánh giá lại tổng thể. “Mỗi ngày tôi nhận được khá nhiều cuộc gọi liên quan tới câu chuyện thu phí BOT. Ngành giao thông vừa rồi đã quyết liệt rà soát, quản lý lại nhưng kinh nghiệm chưa có nên còn nhiều hạn chế. Phải tính toán lại để đảm bảo lợi ích người dân, Nhà nước, không để người dân chịu mức phí cao”, Phó thủ tướng nêu quan điểm.