You are here
Biển quảng cáo đồng bộ ở phố kiểu mẫu Hà Nội bị chê đơn điệu
Biển quảng cáo đồng bộ ở phố kiểu mẫu Hà Nội bị chê đơn điệu
Phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa khánh thành được coi là tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên ở thủ đô. Theo các tiêu chí thống nhất giữa chính quyền và người dân, phố có vỉa hè rộng 7,5 m làm bằng đá xanh tự nhiên phục vụ người đi bộ, người khuyết tật, hệ thống chiếu sáng lần đầu tiên sử dụng đèn led, cây xanh lấy bóng mát trồng xen kẽ với hoa cảnh...
Chính quyền cũng vận động các nhà mặt tiền chỉnh trang đồng bộ màu sơn, tháo dỡ mái che, mái vẩy, thống nhất mẫu biển hiệu kinh doanh, quảng cáo.
Phần lớn người dân hài lòng với tuyến đường khang trang, sạch đẹp, tuy vậy tranh cãi nảy sinh khi các biển quảng cáo có cùng một kích thước, màu sắc. Theo một số hộ kinh doanh, kích thước biển nhỏ, địa chỉ nhỏ, màu sắc giống nhau khiến khách hàng không thể nhận biết được cửa hàng của họ.
Biển "đồng phục" với hai màu đỏ hoặc xanh được chính quyền địa phương lắp miễn phí cho các hộ dân phố Lê Trọng Tấn. Ảnh: Bá Đô. |
Quản lý cửa hàng của một nhãn hiệu thời trang có tiếng cho biết từ khi thay biển theo yêu cầu của chính quyền địa phương, nhiều khách hàng đến đây còn không nhận ra đây là thương hiệu mình. "Có người còn sợ vào nhầm cửa hàng giả mạo", vị này thông tin . Đại diện này còn tiết lộ lãnh đạo công ty đã vài lần muốn xin trả lại biển mới để dùng nhận diện cũ, thậm chí tính cả chuyện trả mặt bằng nếu tình trạng kéo dài.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Trí Phúc - đại diện phụ trách hình ảnh của hệ thống Công ty May Nhà Bè khu vực phía Bắc nói: "Quy hoạch cho đồng đều là hợp lý nhưng việc quy định cứng 2 màu sắc xanh và đỏ thế làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp. Với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì không sao chứ chúng tôi là thương hiệu nhận diện quốc tế, cần phải giữ nguyên logo, màu sắc, kiểu chữ...".
Tương tự, chủ một quán cà phê trên phố này cũng cho biết, anh đã mất khá nhiều thời gian và tiền bạc để đầu tư trang trí cho quán nhằm tạo nên sự khác biệt. Nhưng đến nay, biển hiệu quán cũng như mọi cửa hàng quần áo, bán nước mía hay bún đậu mắm tôm.
"Biển mới dù không mất tiền nhưng tôi không thích một chút nào vì vừa lãng phí khoản đầu tư làm biển trước đây lại thấy không hiệu quả. Ai cũng giống ai và khách hàng rất khó phân biệt. Từ ngày có biển này, số khách hàng ít hơn hẳn nên tôi chỉ muốn quay về cách cũ", chủ một cửa hàng quần áo phàn nàn.
Ông Phan Duy Lĩnh (số nhà 230) còn lo ngại loại biển dán chữ nổi gặp mưa gió rất dễ rơi rụng. "Thành phố nên nghiên cứu lại cái này cho phù hợp để việc nhận diện thương hiệu, cửa hàng dễ dàng hơn", ông Lĩnh đề nghị.
Theo quy định tuyến phố kiểu mẫu, tầng 1 của những ngôi nhà mặt tiền sơn màu ghi nhạt, tầng 2 trở lên có thể sơn các màu vàng nhạt, ghi, trắng sáng. Ảnh: Bá Đô. |
Về quá trình lắp biển "đồng phục" nêu trên, chị Vân - chủ một tiệm bán quần áo cho biết, cách đây một tháng, có người ở phường mang giấy tờ xuống đề nghị các hộ kinh doanh đăng ký làm lại biển quảng cáo theo tiêu chuẩn và chỉ được chọn một trong hai màu, đỏ hoặc xanh. Tất cả chi phí làm biển, lắp đặt hoàn toàn miễn phí.
"Đây là việc tốt để chỉnh trang và tạo ra sự đồng bộ diện mạo của tuyến đường, tuy nhiên chỉ có hai màu để lựa chọn thì quá đơn điệu, nhàm chán. Hơn nữa từ ngày lắp biển mới, rất nhiều khách phàn nàn không thể tìm được cửa hàng, vì thế việc kinh doanh cũng chậm lại", chị Vân nói.
Trao đổi về những kiến nghị của người dân, ông Đặng Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Khương Mai (Thanh Xuân) cho hay trước khi bắt tay vào triển khai, phường đã nhiều lần họp các tổ dân phố và nhận được đồng thuận cao của 151 hộ dân ở đây. "Những mẫu biển quảng cáo hay màu sơn, phường gửi đến từng hộ để họ tham khảo và quyết định cho ngôi nhà của mình", ông Tuấn khẳng định.
"Trước khi lắp đặt đại trà, quận lắp mẫu một số hộ để lấy ý kiến và cơ bản các hộ cho biết biển hiệu đáp ứng được nhu cầu", Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái nói thêm.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, đại diện một thương hiệu kinh doanh tại đây cho biết dù ngay khi được khảo sát, anh đã có ý kiến rất mạnh mẽ phản đối nhưng không thành công. "Một số cán bộ trên quận lúc ấy đề nghị tôi cứ để họ thay biển mới để kịp đến ngày khai trương. Họ hứa sau đó sẽ chuyển lại sau nên tôi mới chấp nhận", người này cho biết.
Thực tế, trên phố này vẫn có nhiều trường hợp không phải "mặc đồng phục", chủ yếu là các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp lớn và một điểm bán của hệ thống siêu thị mini được giữ nguyên logo, phông chữ. Tương tự, chủ một quán cà phê ở cuối phố Lê Trọng Tấn vẫn dùng biển hiệu cũ do anh kiên quyết không thay đổi.
Nhiều hộ gia đình ở mặt đường Lê Trọng Tấn tất bật sơn mặt tiền thành màu vàng để đồng bộ trên cả tuyến phố. Chi phí chỉnh trang mỗi gia đình mất khoảng 10-20 triệu đồng. Ảnh: Bá Đô. |
Nhận xét về tuyến phố mới, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố, cho rằng "biển quảng cáo là diện mạo thẩm mỹ, văn hóa vì thế cần có sự hài hòa, đồng bộ, chứ không thể tùy ý thích nổi trội của cá nhân hay tổ chức nào đó". Ông Nghiêm dẫn chứng một số nước tiên tiến như Pháp đã quy định biển quảng cáo cùng kích cỡ với 4 màu khác nhau.
Tuy nhiên, theo ông cần phải hài hòa lợi ích của người dân với việc quản lý của nhà nước để tránh tình trạng "đơn điệu và khó nhận diện thương hiệu" như hiện tại. Hà Nội cũng cần sớm hoàn thiện bộ tiêu chí chung về tuyến đường kiểu mẫu để dễ dàng nhân rộng và quản lý một cách tốt nhất.
Trao đổi với VnExpress, ThS. Nguyễn Phan Anh - Giảng viên Đại học, Chuyên gia eMarketing cho rằng quy hoạch này của thành phố Hà Nội về mặt ý tưởng cũng có rất nhiều điểm tích cực, song một số quy định còn cứng nhắc và chưa phù hợp với thực tế kinh doanh sôi động ngoài thị trường.
"Màu sắc và nội dung, cách thức, bố cục thể hiện trên biển hiệu quảng cáo là do doanh nghiệp tự quyết định - tuân thủ theo bộ nhận diện thương hiệu của họ - nếu có, hoặc theo sở thích của chủ thuê cửa hàng kinh doanh, miễn là tuân thủ quy định về pháp luật quảng cáo hiện tại.
Giám đốc Marketing của một ngân hàng cổ phần còn nói thẳng: "Nếu tuyến phố kiểu mẫu này được nhân rộng thì tôi nghĩ dân marketing, thiết kế nên chuyển việc khác. Ngoài ra, những đầu tư tiền tỷ của các doanh nghiệp để xây dựng nhận diện thương hiệu bấy lâu nay sẽ đổ ra sông ra bể".
"Mỗi một quyết định đột phá bao giờ cũng có sự đánh đổi. Nhưng quy định dù đột phá thì cũng cần linh hoạt và cho người dân nhiều sự lựa chọn và đúng với thực tế của nền kinh tế thị trường. Tất nhiên quy định này hoàn toàn có thể sửa đổi sao cho vừa đẹp mỹ quan đô thị đúng với tư duy của nền kinh tế thị trường và sự sáng tạo của ngành quảng cáo, bán lẻ", ThS. Phan Anh nói thêm.
Trước đây, Hà Nội từng thí điểm tuyến đường kiểu mẫu ở phố Chùa Bộc (Đống Đa), tuy nhiên không thành công do người dân tự phát làm nhà và biển quảng cáo. Do đó, sau khi khánh thành phố Lê Trọng Tấn, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố sẽ họp rút kinh nghiệm, lấy ý kiến để nhân rộng mô hình, đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị.
Bá Đô - Thanh Lan