You are here

Bán hàng kiểu combo hút khách

Bán hàng kiểu combo hút khách

Mới đi vào hoạt động từ tháng 6/2014, hình thức bán hoa quả miền Tây trọn gói theo combo của Fruitclub (phố Lê Duẩn, Hà Nội) đang được nhiều người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng. Bích, quản lý mô hình này cho biết, trong khi  hoa quả miền Tây tại thị trường miền Bắc không còn hiếm, thì làm mới khâu phân phối sản phẩm cũng là cách thu hút khách.

Lựa chọn kinh doanh trực tuyến, và nhận ra rằng để tăng hiệu quả cần theo mô hình trọn gói-combo, Bích quyết định chọn cách thức lên sẵn thực đơn bao gồm nhiều loại trái cây khác nhau đủ ăn cho một gia đình trong thời gian nhất định. Khách hàng đặt mua combo trái cây theo lịch hẹn trước, công ty sẽ giao hàng định kỳ từ 2 đến 3 lần trong tháng.  Một combo trái cây bao gồm khoảng 4 hoặc 5 loại trái theo mùa, có giá 495.000 đồng đủ cho một gia đình (4-6 người) ăn trong một tuần. Hiện, để đáp ứng nhu cầu cho gia đình nhỏ với 3 thành viên, Fruitclub đã tạo thêm combo giá 339.000 đồng và bắt đầu kinh doanh thêm combo rau sạch.

combo6-3-copy-5019-1421228182.jpg

 Mức chiết khấu 10-20%, cùng lúc được dùng nhiều sản phẩm là ưu điểm mà mua hàng combo đang được ưa chuộng hơn hình thức voucher.

“Điểm hấp dẫn của hình thức bán hàng này là nếu khách hàng đều đặn mua theo gói thì luôn được giá ưu đãi nhất”, Bích cho hay. Do vậy, chỉ trong một thời gian ngắn cơ sở của Bích đã có được một lượng khách hàng đông đảo. Chị dự tính hết tháng 3 năm nay sẽ tăng thêm được khoảng 1.000 khách hàng thường xuyên, chưa kể đến lượng khách lẻ.

Do kinh doanh nhà hàng có đặc thù riêng, nên hình thức combo chỉ được áp dụng vào dịp cuối tuần, nhưng nhiều cơ sở vẫn giữ được lượng khách ổn định. Chia sẻ với VnExpress, chị Hà, quản lý nhà hàng Núi Tản (phố Duy Tân, Cầu Giấy) cho biết, 2 set menu trọn gói với 4 món đồ ăn và đồ uống hiện có của nhà hàng dao động 400.000-500.000 đồng đang được các nhóm khách hàng (từ 4 đến 6 người ăn cùng) lựa chọn. Tuy vẫn là những món cũ, nếu bán riêng lẻ giá vẫn giữ nguyên nên nhiều khách hàng chọn cùng lúc nhiều món để có lợi hơn.

“Khi nhà hàng gom lại vào một combo, vừa giúp khách hàng nhanh chóng lựa chọn món, đồng thời được chiết khấu 15-20% hóa đơn mà lượng đồ ăn vẫn giữ nguyên”, chị Hà nói.

Để cạnh tranh, thời gian gần đây nhiều quán karaoke cũng đang sử dụng combo giá rẻ để thu hút khách. Linh, quản lý một quán karaoke trên phố Xã Đàn cho biết, chỉ một đoạn đường mà có gần 10 quán hát san sát nhau nên quán nào cũng tìm mọi cách để có khách hàng mới. Theo Linh, hiện các quán karaoke đều sử dụng hình thức bán hàng này, song quan trọng nhất món đồ được đóng gói combo sẽ quyết định lựa chọn của khách. “Có quán ưu tiên đồ uống, giờ hát, chỗ thì âm thanh mới, phòng VIP…, nhưng theo kinh nghiệm của mình cần tạo ra một combo phù hợp với lứa tuổi và thu nhập của khách đến hát”. Do vậy, tùy từng thời điểm trong tháng Linh sẽ thiết kế 1-3 combo với đồ uống, giờ hát hợp lý nhất với giá dao động 1,7-2,2 triệu đồng.

Tại các trang thương mại điện tử như cucre.vn, nhommua.com, hotdea.vnl… hình thức bán hàng combo đang được áp dụng cho hầu hết các sản phẩm từ thực phẩm, quần áo, đến dụng cụ và nội thất gia đình.

Ông Lê Nam, giám đốc một công ty đào tạo kinh doanh trực tuyến cho biết, từ giữa năm 2014 bán hàng kiểu combo đã cuốn hút hơn so với voucher. Không chỉ các cửa hàng, đại lý nhỏ áp dụng mà hiện các siêu thị lớn, thậm chí doanh nghiệp dịch vụ cũng bắt đầu chú trọng. Mặc dù người tiêu dùng không được quyền lựa chọn các sản phẩm một cách thoải mái, tuy nhiên ưu điểm khi mua theo combo thường có giá rẻ hơn so với việc mua lẻ nên khá nhiều người tiêu dùng tỏ ra thích thú.

"Không chỉ có ưu điểm về giá cả, mua theo combo còn giúp người tiêu dùng mua được nhiều món hàng, thậm chí có thể chia sẻ với nhau bằng cách cùng mua một combo", vị này cho hay.

Về lợi ích của doanh nghiệp ông Nguyễn Thành Tiến, chuyên gia marketing cho rằng bán cả gói nhiều sản phẩm khác nhau cũng là chiến lược bán hàng của doanh nghiệp. Tâm lý khách hàng thường thích mua rẻ, giữa lựa chọn mua một sản phẩm giá sẽ đắt hơn là mua nhiều sản phẩm trong một combo được chiết khấu, chắc chắn họ sẽ chọn phương án hai. "Đó là sự khéo léo của doanh nghiệp, nhất là các đơn vị dịch vụ", ông nói. Trong trường hợp sản phẩm không đủ để tạo combo thì các doanh nghiệp có thể liên kết với đơn vị cung cấp khác tạo ra gói sản phẩm.
Lượt xem: 1,780