You are here

Bán bia vỉa hè, online có thể bị cấm

Bán bia vỉa hè, online có thể bị cấm

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia. Theo đó các hành vi sản xuất, kinh doanh mua bán, tiêu thụ bia nhập lậu, nhãn mác giả, không đảm bảo chất lượng là các hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Kinh doanh bia tại các địa điểm như trường học, bệnh viện, công sở, vỉa hè cũng bị xếp vào dạng vi phạm.

bia-hoi-0-5264-1409737266.jpg

Kinh doanh bia trên vỉa hè vốn phổ biến tại các đô thị Việt Nam.

Thương nhân kinh doanh sản phẩm bia sẽ không được bán bia cho người dưới 18 tuổi, cũng như kinh doanh qua hình thức máy bán hàng tự động hoặc phương tiện điện tử. Dự thảo cũng nêu rõ quy định việc bán kia cho người có biểu hiện say, phụ nữ có thai hoặc thời gian đang cho con bú là vi phạm pháp luật.

Thương nhân kinh doanh sản phẩm bia phải thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm , đảm bảo nguồn gốc, thời hạn sử dụng sản phẩm… Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh bia tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo báo cáo đánh giá tác động của Bộ Công Thương, tại Việt Nam, đồ uống chứa cồn có lịch sử lâu đời, uống rượu, bia còn là một nét văn hóa trong trong đời sống xã hội. Người dân uống rượu, bia trong các dịp lễ Tết, cỗ chạp, ma chay, tụ hội, trong các cuộc vui, hội ngộ bạn bè, gia đình. Sản phẩm bia nếu được quản lý tốt từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng  thì mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, và sức khỏe cho người sử dụng.

Tuy nhiên, hiện nay việc kinh doanh sản phẩm bia do có nhiều bất cập, như uống quá nhiều gây tai nạn, do đó  cần phải đưa vào để quản lý chặt chẽ hơn so với hiện trạng quản lý như hiện nay, nhằm khắc phục những hậu quả xấu do việc lạm dụng mang lại. Bộ cho rằng, sau khi Nghị định có hiệu lực, thuế thu về cho Ngân sách Nhà nước ước tính tăng thêm khoảng 3.150 tỷ đồng mỗi năm. Phí để thực hiện việc cấp Giấy phép sản xuất bia ước tính: khoảng 3,5 tỷ đồng mỗi năm

Với việc tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia trong năm 2013, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc). Trong 10 năm qua tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Rượu, bia đứng trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất toàn cầu. Theo thống kê của Viện Chiến lược chính sách y tế, có tới 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu, bia mang lại. Điều tra về sức khoẻ vị thành niên và thanh niên (14-15 tuổi) cho thấy 69% nam và 28% nữ từng uống bia, rượu.

Nghị định này ra đời nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 244/QĐ-CP về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Thủ tướng giao Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia và đồ uống có cồn khác trình Chính phủ ban hành vào năm 2014.

Trước đó, Bộ Y tế cũng xây dựng dự luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Trước nhiều ý kiến được đưa ra sau quy định cấm bán rượu bia sau 22h tại dự thảo, Bộ Y tế tiếp tục điều chỉnh văn bản này. Cụ thể, cơ quan soạn thảo dự kiến nới rộng khoảng thời gian cấm từ 22h tới 6h sáng hôm sau, thay vì dừng lại ở 24h như phương án trước đó.

Hoàng Lan

Lượt xem: 2,287