You are here
7 lý do kinh doanh trực tuyến chưa thu hút khách
7 lý do kinh doanh trực tuyến chưa thu hút khách
1. Mô tả sản phẩm sơ sài
Có rất nhiều điều liên quan tới mô tả sản phẩm, tùy thuộc vào từng món hàng nhưng không ít cửa hàng bán online lại đang không coi trọng vấn đề này. Thực tế, nếu lên một website công ty, người ta thường xem nội dung về nhân sự của hãng đó (ví dụ ảnh cán bộ nhân viên), tương tự với thương mại điện tử, người mua sẽ xem mô tả sản phẩm chi tiết, đánh giá sản phẩm và phần đánh giá bên bán.
Theo nghiên cứu của Nielsen Norman Group (NN Group), khi một người vào xem sản phẩm trên trang Amazon, có 18% thời gian họ xem ảnh và tới 82% xem nội dung chữ. Do đó, việc cung cấp đầy đủ, chi tiết thông tin (bằng chữ) và hình ảnh về các góc cạnh sản phẩm sẽ đảm bảo mức doanh thu tốt hơn cho các cửa hàng.
2. Quy trình thanh toán phức tạp
Thủ tục thanh toán nhanh gọn nhưng tính bảo mật cao sẽ giúp người mua hài lòng với website hơn. |
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm trực tuyến là quy trình thanh toán. Nhiều chuyên gia khuyên các cửa hàng online nên chọn các bước thanh toán cuối cùng sao cho đơn giản, thân thiện với người dùng và tránh gây sao nhãng nhưng vẫn phải đảm bảo bảo mật thông tin.
Một số nhà bán lẻ có xu hướng gợi ý sản phẩm mà người dùng có thể thích khi đang thực hiện thanh toán, nhưng bước này có thể gây kết quả ngoài mong đợi bởi gây xao nhãng cho khách, khiến họ mải tìm thêm và bỏ qua sản phẩm quan trọng, cuối cùng có thể bỏ đi mà không mua gì.
3. Ảnh minh họa kém
Với cửa hàng truyền thống, cách bán hàng tốt nhất là trao tận tay món hàng cho người mua cảm nhận, nhưng các shop online thì không làm được. Do vậy, họ sử dụng hình ảnh để người mua có thể hình dung món hàng thế nào khi đặt trước mặt mình. Các bức ảnh quá lớn (hoặc quá nhỏ), thiếu sáng tạo, chất lượng kém sẽ là nguyên nhân chính khiến khách bỏ đi.
Khách hàng sẽ thích các ảnh thực tế sản phẩm khi sử dụng, chụp ở nhiều góc cạnh, vị trí và công năng khi dùng khác nhau. Ảnh nên có độ phân giải lớn, có thể phóng to thu nhỏ khi cần để người mua xem từng chi tiết.
4. Website trông thiếu tin cậy
Thương hiệu và niềm tin luôn đi kèm với nhau, đặc biệt là ở thương mại điện tử. Ngay cả khi bạn sở hữu công ty uy tín nhất thế giới nhưng website không thể hiện được điều đó, khách hàng vẫn rời khỏi trang web của công ty.
Có nhiều cách để cải thiện hình ảnh thương hiệu giúp tạo niềm tin, nhưng quan trọng vẫn là thấu hiểu được nỗi lo lắng, mối quan tâm cũng như lý do tìm đến sản phẩm của khách hàng. Nếu bạn có thể cung cấp nội dung "dỗ dành" được suy nghĩ của khách, họ sẽ gắn kết với website lâu dài hơn. Chủ site nên cung cấp nhiều dạng đánh giá thương hiệu như phản hồi khách hàng, sự công nhận của cộng đồng, các câu chuyện liên quan tới công ty... để phát triển niềm tin của khách đối với doanh nghiệp.
5. Ảnh hưởng từ ấn tượng đầu tiên
Ai lướt web cũng từng vào những trang vừa nhìn trông đã thiếu tin tưởng. Có thể chủ web thiếu logo, không nhiều thiết kế sản phẩm hay thậm chí chọn loại phông chữ trông chẳng khác nào trang web tạm bợ, "chỉ ra đời để lừa đảo khách".
Vì thế, ấn tượng đầu tiên sẽ là tất cả đối với một website. Các nghiên cứu chỉ ra rằng "nhìn" và "cảm thấy" về một website là yếu tố chính tạo ra ấn tượng đầu tiên. Một website có giao diện nghèo nàn ngay lập tức tạo cảm giác thiếu tin tưởng đối với người xem. Để hút khách hàng, các trang web cần phải làm sao cho chuyên nghiệp, từ thiết kế giao diện, khả năng hoạt động trên thiết bị di động cho đến mẫu thanh toán.
6. Tầm quan trọng của di động
Nhiều hãng vẫn chưa nhận ra mức độ phản hồi của website trên thiết bị di động là một vấn đề thực sự. Ngày nay, đa phần người dùng sử dụng điện thoại, máy tính bảng để vào web nên một trang web được tối ưu hiển thị trên màn hình bé hết sức quan trọng. Người bán cần so sánh hai phiên bản trên di động và trên máy bàn để chắc chắn khách hàng dễ thao tác và cảm thấy thích thú khi dùng.
7. Hacker
Hacker có thể tiếp cận được rất nhiều dữ liệu và các cửa hàng online là mục tiêu của mọi hoạt động phi pháp trên mạng. Khi kẻ gian ngày càng thành thạo kỹ thuật, doanh nghiệp cũng phải đầu tư thêm nguồn lực vào các nền tảng chống gian lận. Không chỉ bảo vệ tài sản của công ty, việc gia cố bảo mật cũng giúp giữ gìn thông tin của khách hàng, giúp họ có niềm tin để tiếp tục mua sắm trực tuyến.
Hải Khanh