Bạn đang ở đây

Xuất khẩu thủy sản quý I giảm sâu

Xuất khẩu thủy sản quý I giảm sâu

Theo thống kê của Hải quan, uớc tính kim ngạch quý đầu 2015 sẽ đạt khoảng 1,27 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. So với giá trị và mức tăng trưởng trong vòng 5 năm qua, kim ngạch năm nay có sự sụt giảm mạnh nhất.

Theo xu hướng của các năm, xuất khẩu thủy sản quý I thường thấp hơn so với cuối năm trước đó và tăng dần từ cuối quý II đến cuối năm, đáp ứng đơn đặt hàng trước các dịp lễ Giáng sinh và năm mới. Tuy nhiên, mức sụt giảm mạnh năm nay gây chú ý vì ngành thủy sản đang đối mặt với những biến động của thị trường thế giới liên quan đến tỷ giá ngoại tệ, giá nhập khẩu, rào cản thuế quan...

thuy-san-2679-1427588590.jpg

Xuất khẩu thủy sản quý I năm nay có mức sụt giảm mạnh nhất trong 5 năm qua.

Hiện nay, Ấn Độ vào vụ thu hoạch tôm, sản lượng bán ra nhiều vì nước này không có cơ sở hạ tầng để trữ hàng, khiến giá tôm trên thị trường quốc tế giảm 2 USD một kg so với cuối năm ngoái. Do vậy, giai đoạn này, các công ty buộc phải trữ hàng, tránh thua lỗ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm giảm 30% trong hai tháng đầu năm.

Xuất khẩu cá tra cũng chứng kiến mức giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là đồng euro mất giá khiến nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU cũng đi xuống. Giá cá tra sang thị trường này bị điều chỉnh giảm 5-10% mới bán được.

Kim ngạch cá ngừ thấp hơn 13,5% so với cùng kỳ 2014, giảm mạnh nhất là ở 3 thị trường chính Mỹ, EU và Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất sang EU rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trước bài toán lợi nhuận khi khách hàng muốn hạ giá bán, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước không đạt và giá nguyên liệu nhập khẩu lại cao.

Bên cạnh đó, sự tăng giá mạnh của đồng USD so với một loạt các ngoại tệ khác như euro, yen… khiến cho khách hàng tại các thị trường này hạn chế nhập khẩu hoặc tìm cách giảm giá mua. Xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 10%, sang Nhật Bản giảm 14,5%. Trong khi đó, hai khu vực này chiếm lần lượt 18% và 14% kim ngạch xuấ khẩu thủy sản của Việt Nam.

Hầu hết doanh nghiệp lựa chọn USD là đồng tiền thanh toán thương mại quốc tế cho các đơn hàng. Đây là ngoại tệ có giá trị ổn định hơn so với các ngoại tệ khác. Tuy nhiên sự tăng giá đồng USD đang ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ.

Nguyên nhân là đồng USD tăng cao so với tiền tệ của các nước khác, trong khi tỷ giá USD/VND không đổi. Lợi nhuận của các doanh nghiệp tôm Việt Nam so với Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia thấp hơn khi tỷ giá của nước họ đang được thả nổi. Tính đến cuối tháng 2, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ giảm tới 44%.

Thanh Bình (Theo VASEP)

Lượt xem: 1,776