Bạn đang ở đây

Vì sao Trung Quốc cho mở hàng loạt ngân hàng tư nhân?

Vì sao Trung Quốc cho mở hàng loạt ngân hàng tư nhân?

Hãng tin BBC hôm 7/1 cho biết, trong năm 2014 này, Trung Quốc sẽ cho thành lập khoảng 5 ngân hàng tư nhân, nhằm mở rộng lĩnh vực tài chính và thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành này. Những ngân hàng tư nhân này sẽ được phép hoạt động trên cơ sở thử nghiệm, dưới sự giám sát của các nhà quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc. Tài chính tư nhân sẽ được dùng tái cơ cấu các ngân hàng hiện có, cũng như lập ra các tổ chức mới tự gánh chịu trách nhiệm trước những rủi ro.

Theo Ủy ban Giám sát Ngân hàng Trung Quốc, quy trình và tiêu chuẩn nghiêm ngặt sẽ được đặt ra cho các ngân hàng mới, với tiêu chí đòi hỏi cao, giấy phép hạn chế, tăng cường giám sát và hệ thống xử lý rủi ro. Cơ quan quản lý cũng lưu ý xem xét giảm nhẹ yêu cầu đối với ngân hàng nước ngoài có dự định hoạt động tại thị trường của Trung Quốc.

Hãng tin Anh quốc cho rằng, động thái trên của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều người lo ngại về sự gia tăng của hệ thống ngân hàng ngầm trong nước. Vài năm gần đây, hoạt động tín dụng của các tổ chức phi ngân hàng đã tăng trưởng nhanh chóng ở Trung Quốc. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng, hệ thống ngân hàng ngầm đã tạo nên một mối nguy cơ lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đồng thời khiến cho hoạt động tín dụng trở nên thiếu minh bạch.

Theo một báo cáo hồi đầu năm ngoái của hãng đầu tư nổi tiếng "Thượng Hải chzhentsyuan", kích thước của các ngân hàng ngầm ở Trung Quốc chiếm khoảng 27,88 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 4,48 nghìn tỷ USD, tương đương với 53,68% GDP của Trung Quốc trong cả năm 2012. "Hiện tượng này đang đe dọa đến sự bình ổn của nền kinh tế Trung Quốc. Chính phủ cần phải có những hành động dứt khoát để giải quyết tình hình", tờ Kinh tế Trung Quốc khi đó đã đưa ra lời cảnh báo.

Trước những lo ngại như vậy, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đưa ra một loạt những quy định mới cho lĩnh vực tài chính. Mặc dù những dự thảo quy định này chưa được công bố công khai, song theo nhiều cơ quan truyền thông, những yêu cầu mới sẽ nhằm vào việc kêu gọi giám sát và quản lý chặt chẽ hơn đối với các hoạt động ngân hàng ngầm. Tuy nhiên, văn bản đề xuất những quy định này cũng đưa ra nhận định rằng, hệ thống ngân hàng ngầm cũng có lợi cho kinh tế.

“Sự nổi lên của các ngân hàng ngầm là kết quả tất yếu của sự phát triển và sáng tạo trong lĩnh vực tài chính”, tờ Financial Times trích dẫn nội dung trong văn bản trên cho hay. “Với tư cách là một thành tố bổ sung cho hệ thống ngân hàng truyền thống, các ngân hàng ngầm đóng một vai trò tích cực trong việc phục vụ nền kinh tế và làm giàu các kênh đầu tư cho dân chúng”. Tài liệu trên cũng ghi rõ rằng, “những rủi ro của hệ thống ngân hàng ngầm nhìn chung vẫn đang trong tầm kiểm soát”.

Trên thực tế, theo nhiều chuyên gia phân tích tài chính quốc tế, hệ thống ngân hàng ngầm tồn tại song song với hệ thống ngân hàng truyền thống và có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo định nghĩa phổ biến trên thế giới, ngân hàng ngầm là những hoạt động được phép và giống như ngân hàng, nhưng chưa nằm trong khuôn khổ giám sát quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó hệ thống ngân hàng ngầm không hoàn toàn là xấu.

Trong khi đó, hồi tháng 8 năm ngoái, kênh truyền hình CNBC của Mỹ từng cho biết, việc Bắc Kinh đang nỗ lực mở cửa lĩnh vực ngân hàng cho nhà đầu tư tư nhân, là nhằm hỗ trợ tài chính cho các công ty nhỏ thiếu tiền mặt. Bởi các ngân hàng quốc doanh ở Trung Quốc vẫn thường ưu tiên cho vay doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp khoảng 60% GDP Trung Quốc và tạo ra 75% việc làm mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc vay vốn với họ lại không hề dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp phải tìm tới tổ chức tín dụng đen. “Để có được một khoản vay tại ngân hàng, anh thường mất hàng tháng, đưa đối tác đi ăn, hát karaoke và đợi chấp thuận. Kể cả những việc đó cũng chưa chắc đã đảm bảo”, tờ WSJ ngày 29/12/2013 dẫn lời ông Raymond Ting, Chủ tịch Credit China, cho biết

Tờ WSJI dẫn số liệu của ngân hàng Goldman Sachs cho hay, trong vòng 5 năm qua, giá trị khoản vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình tại Trung Quốc đã lên tới gần 60% GDP. Số liệu của J.P. Morgan Chase cũng cho thấy giai đoạn từ 2010 đến 2012, các tổ chức tín dụng ngầm đã cho vay tới 36.000 tỷ NDT. Còn tính 10 tháng đầu năm, cho vay của các ngân hàng chỉ chiếm 53% tổng tín dụng tại Trung Quốc, giảm mạnh so với 72% ba năm trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết.

Hãng tin Bloomberg hồi tháng 7/2013 cũng từng đăng bài viết về tín dụng đen của Trung Quốc. Trong bài viết này, Joe Zhang, chủ một tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cho biết rằng, việc lãi suất bị thắt chặt khiến người gửi tiền phải đi tìm các sản phẩm tài chính hấp dẫn hơn. Việc ngân hàng ưu tiên cho vay doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có quan hệ tốt cũng khiến các công ty nhỏ phải tìm đến tín dụng đen. Zhang nói không nên quy chụp ngành này là xấu, nhưng cũng cần kiểm soát chặt.

Một chuyên gia tài chính thuộc Công ty Tư vấn Đầu tư Trung Quốc cho rằng, các ngân hàng tư nhân có nhiều ưu thế rõ rệt như chính sách tiền gửi và cho vay linh hoạt và hiệu quả; các loại hình dịch vụ đa dạng, nhanh chóng và tiện lợi hơn.... Do đó, sức hút khách hàng của các ngân hàng tư nhân sẽ tốt hơn, so với hệ thống các ngân hàng quốc doanh vốn vẫn dựa vào việc bố trí mạng lưới các điểm giao dịch để kinh doanh.

Theo chuyên gia này, “việc ra sức phát triển ngân hàng tư nhân là phương châm chiến lược được xác định ở cấp quốc gia, là biện pháp quan trọng để cải cách thị trường ngành tài chính” của Trung Quốc.

Lượt xem: 1,687