Bạn đang ở đây

Trung Quốc "ra tay" cứu bất động sản, yêu cầu ngân hàng cấp vốn

Trung Quốc "ra tay" cứu bất động sản, yêu cầu ngân hàng cấp vốn

Cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc vừa yêu cầu các ngân hàng cung cấp tín dụng cho các nhà phát triển đủ điều kiện để họ hoàn thành dự án sau khi người mua nhà tại ít nhất 100 dự án trên 50 thành phố ở nước này từ chối thanh toán thế chấp.

Trung Quốc ra tay cứu bất động sản, yêu cầu ngân hàng cấp vốn - 1

Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng cung cấp vốn vay cho các dự án bất động sản đủ điều kiện để đẩy nhanh việc bàn giao nhà cho người mua (Ảnh: Bloomberg).

Hướng dẫn của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc được đưa ra nhằm phản ứng với phong trào tẩy chay thanh toán vay thế chấp của người mua nhà nước này và thúc đẩy nhanh việc bàn giao nhà cho người mua, một quan chức cấp cao giấu tên của cơ quan này cho hay.

Động thái này diễn ra sau khi các nhà quản lý nước này họp với các ngân hàng vào tuần trước để thảo luận về việc ngày càng có nhiều khách hàng quyết định không thanh toán các khoản vay thế chấp của họ. Đây được coi là mối đe dọa mới nhất đối với bất động sản - lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vốn đang bị khủng hoảng bởi các vụ vỡ nợ của các "ông lớn" trong ngành bất động sản Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn khuyến cáo của các chuyên gia phân tích cho rằng sự ổn định của hệ thống tài chính có thể bị tổn hại nếu nhiều người mua nhà làm theo.

Trong khi đó, báo cáo của tờ Tin tức Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cũng cho biết các nhà quản lý đang hối thúc các ngân hàng hỗ trợ các nhà phát triển trong hoạt động mua bán và sáp nhập để giúp ổn định thị trường bất động sản. Các nhà băng cũng được yêu cầu cải thiện vấn đề thông tin liên lạc với người mua nhà và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.

Trong khi, trong các tuyên bố công khai, các ngân hàng thương mại đều cho rằng tình hình này có thể kiểm soát được, thì vẫn có những lo ngại tồn tại do tầm quan trọng của lĩnh vực này. Ngành bất động sản, bao gồm cả xây dựng, bán nhà và các dịch vụ liên quan, chiếm khoảng 1/5 GDP của Trung Quốc. Ước tính khoảng 70% tài sản của tầng lớp trung lưu gắn liền với bất động sản.

Trước đó, Bloomberg dẫn báo cáo từ các nhà phân tích của Citigroup cho hay, người mua nhà tại 35 dự án trên khắp 22 thành phố ở Trung Quốc đã quyết định ngừng thanh toán các khoản thế chấp kể từ ngày 12/6 do các dự án chậm tiến độ và giá bất động sản lao dốc.

Việc từ chối thanh toán này cho thấy cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang ảnh hưởng ra sao đến tầng lớp trung lưu ở nước này, đe dọa đến sự ổn định xã hội. Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những thách thức từ căng thẳng thanh khoản giữa các chủ đầu tư khi phải gồng mình trước những vụ vỡ nợ của người mua nhà.

Ông Griffin Chan - trưởng nhóm nghiên cứu của Citigroup cho rằng, việc người mua nhà bỏ cọc có thể mang đến sự bất ổn xã hội.

Cũng theo báo cáo, giá bán bất động sản trung bình tại các dự án trong năm 2022 tại Trung Quốc đã giảm mạnh và hiện thấp hơn 15% so với giá mua nhà trong 3 năm qua. Tình trạng này đang lan sang các ngân hàng. Theo ông Chan, các khoản nợ xấu do làn sóng không thanh toán các khoản vay thế chấp có thể lên đến 561 tỷ nhân dân tệ (tương đương 83 tỷ USD), chiếm 1,4% tổng dư nợ thế chấp.

Trong một báo cáo phát hành hôm 16/7, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng cho biết, trong quý II, sản lượng của ngành bất động sản đã giảm 7% so với năm ngoái. Bất động sản vẫn là rào cản lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Riêng trong tháng 6, doanh số bán nhà của Trung Quốc đã giảm 23,4% so với một năm trước và đầu tư bất động cũng giảm 9,4%, theo số liệu chính thức.

Lượt xem: 821