Bạn đang ở đây

Trung Quốc điều hành tỷ giá như thế nào

Trung Quốc điều hành tỷ giá như thế nào

Chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc gây ra rất nhiều tranh cãi thời gian qua, nhất là khi nước này phá giá mạnh đồng tiền trong tuần trước. Trước đó giới chính trị gia Mỹ và những quốc gia phát triển khác thường chỉ trích cơ chế tỷ giá cứng nhắc của nước này. Họ cho rằng Trung Quốc không chỉ đơn thuần là thay đổi chính sách tỷ giá để phù hợp với những biến động trên thị trường, họ thực chất muốn tăng thặng dư thương mại. Trong gần 70 năm tồn tại, chính sách tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) đã được điều chỉnh rất nhiều. 

1. Trước năm 1978

Trước năm 1978, Trung Quốc vẫn còn là một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, rất ít giao thương với bên ngoài. Từ năm 1955 đến 1972, quốc gia này chỉ áp dụng một tỷ giá. Giá NDT được tính theo 13 đồng tiền khác nhau, rồi sau đó là dựa trên trung bình của USD và Mark Đức. Vào thời kỳ này, việc đồng NDT được định giá quá cao so với giá trị thực (1,5 NDT đổi 1 USD) đã dẫn đến những yếu kém trong xuất khẩu. Tuy nhiên, việc này lại được bù đắp bởi lợi nhuận thu được từ nhập khẩu, do nhà nước độc quyền trong hoạt động ngoại thương. Trong thời kỳ này, tỷ giá hối đoái chính thức không đóng vai trò quan trọng trong thương mại với nước ngoài của Trung Quốc.

2. Thời kỳ 1978-1984

yuan-9047-1439700031.jpg

Trung Quốc đã nhiều lần thay đổi cách điều hành tỷ giá trong vài thập kỷ qua. Ảnh: Trading Blog

Vai trò của tỷ giá bắt đầu thay đổi từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế năm 1978. Lúc này, với chủ trương cởi mở hơn, Chính phủ Trung Quốc đã không còn độc quyền về các hoạt động ngoại thương nữa và cũng thay đổi cả chính sách tỷ giá hối đoái để phù hợp với những yêu cầu của nền kinh tế.

Năm 1979, Trung Quốc có khoảng hơn 10 công ty giữ vai trò quản lý các giao dịch với nước ngoài. Đến giữa những năm 1980, họ đã có tới 800 công ty xuất nhập khẩu được phép hoạt động. Lúc này, tỷ giá hối đoái chính thức vẫn định giá NDT cao hơn so với giá trị thực và không tuân theo giá thị trường thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh tỷ giá chính thức còn tồn tại một tỷ giá hối đoái khác được áp dụng cho các giao dịch trong nước.

Tình trạng tỷ giá này luôn thấp hơn so với tỷ giá chính thức đã dẫn đến những đợt hạ giá liên tục của nhà điều hành. Đến năm 1985, tỷ giá này đã được hạ xuống ngang bằng với tỷ giá nội bộ và cuối cùng cho phép thống nhất một tỷ giá.

3. Thời kỳ 1985-1993

Năm 1985, sự ra đời của thị trường ngoại hối trong khu vực đã cho phép các liên doanh có thể trao đổi ngoại tệ mà họ thu được thông qua xuất khẩu. Năm 1988, một hệ thống thu ngoại tệ chính thức được thành lập. Khi đó, các chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp Nhà nước cũng có thể tham gia vào thị trường ngoại hối.

Sau năm 1988, do giá cả được xác định bởi các điều kiện thị trường, tỷ giá hối đoái đã trở nên linh hoạt hơn. Giai đoạn 1991-1993, Trung Quốc đã áp dụng tỷ giá thả nổi và liên tục phá giá nội tệ nhằm phản ánh sát hơn những biến đổi của thị trường và sức mua thực tế của đồng NDT. Từ sau các đợt phá giá, tỷ giá danh nghĩa giữa đồng NDT và USD được duy trì ổn định ở mức 5,2 - 5,8 NDT đổi một USD.

4. Cuộc cải cách năm 1994

Năm 1994 chứng kiến nhiều cải cách kinh tế vĩ mô lớn, bao gồm cả những đổi mới trong thị trường ngoại hối - chế độ đa tỷ giá được thay bằng một tỷ giá. Ngày 1/1/1994, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố thống nhất tỷ giá chính thức và tỷ giá trao đổi thực tế trên thị trường của đồng NDT. Tỷ giá này được thiết lập ở mức 8,7 NDT đổi 1 USD và nằm dưới chế độ thả nổi có kiểm soát của nhà nước.

Từ 5,8 NDT xuống 8,7 NDTđổi một USD, đây được coi là một trong những lần phá giá mạnh nhất với tỷ lệ lên tới 50%. Nhiều người cho rằng Chính phủ Trung Quốc không chỉ đơn thuần muốn điều chỉnh để đồng NDT phản ánh đúng sức mua của nó, mà còn có một chủ ý khác. Đó là thúc đẩy mạnh xuất khẩu và tạo thặng dư thương mại.

Đến cuối năm 1996, NDT đã có thể được chuyển đổi hoàn toàn trên tài khoản vãng lai để phục vụ cho các mục đích liên quan đến thương mại. Tỷ giá hối đoái danh nghĩa của NDT so với USD tăng ở mức chậm nhưng đều đặn lên 8,3 NDT đổi một USD vào năm 1997. Sau khủng hoảng tài chính châu Á, Chính phủ Trung Quốc đã cố định tỷ giá ở mức 8,27 NDT một USD. Trong 8 năm tiếp theo (đến tháng 7/2005), tỷ giá này vẫn được duy trì nhằm tạo ra môi trường ổn định cho ngoại thương và đầu tư vào quốc gia này.

Ngày 21/7/2005, Trung Quốc lại tiếp tục đưa vào một chính sách tiền tệ mới, chấm dứt việc áp dụng một tỷ giá hối đoái danh nghĩa không thay đổi trong suốt gần 10 năm. Theo đó, sự chuyển đổi sang cơ chế tỷ giá mới này đã đem lại ba thay đổi quan trọng. Thứ nhất, giá trị đồng NDT sẽ được tham chiếu với một rổ gồm nhiều đồng tiền khác theo quy luật cung cầu của thị trường. Thứ hai, tỷ giá trao đổi chính thức xuống 8,11 NDT đổi một USD với iên độ dao động hàng ngày là 0,3%. Thứ ba, cơ chế tỷ giá cố định được thay thế bằng cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát.

Tháng 5/2007, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã điều chỉnh biên độ dao động hàng ngày của NDT lên 0,5%. Những đổi mới này đã làm tăng tính linh hoạt cho tỷ giá. Vào cuối năm 2008, một USD chỉ còn đổi được 6,83 NDT.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây nên một cơn chấn động trên toàn thế giới. Trong tình hình đó, các nhà cầm quyền Trung Quốc đã giới hạn phạm vi dao động của NDT và giữ ở khoảng 6,84 NDT đổi một USD trong vòng 2 năm, đồng thời quay trở lại định giá NDT theo USD. Cho đến ngày 19/6/2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mới khởi động lại các cuộc cải cách nhằm vào tỷ giá đồng NDT. Theo đó, tỷ giá hối đoái của NDT so với USD tiếp tục tăng. Ngày 16/4/2012, biên độ dao động của NDT so với USD được nới rộng lên 1% mỗi ngày.

Tuy nhiên, gần đây, vấn đề đang gây tranh cãi là trong thời gian qua là Trung Quốc luôn duy trì chính sách tỷ giá ấn định ở mức thấp nhằm làm tăng cầu hàng hóa của các quốc gia khác và chiếm được ưu thế trong hoạt động xuất khẩu. Do thị phần Trung Quốc có tỷ trọng lớn trong thương mại thế giới, việc đồng NDT bị định giá thấp hơn giá trị thực tế đã dẫn đến mất cân bằng trong cán cân thương mại trên toàn cầu.

Trong ba ngày từ 11-13/8/2015, PBOC đã liên tiếp hạ giá đồng NDT, trước khi tăng trở lại vào ngày 14/8. Đây là đợt phá giá mạnh nhất từ sau khi Trung Quốc thành lập hệ thống quản lý ngoại hối hiện đại năm 1994. Giới phân tích cho rằng đợt phá giá lần này là nước cờ tương tự giai đoạn 1994-1997.

PBOC giải thích rằng họ phá giá đồng NDT để phản ánh sát hơn diễn biến trên thị trường, đồng thời khẳng định sẽ không hạ giá liên tục. Cơ quan này cho biết "Dựa vào tình hình trong nước và quốc tế, rõ ràng không có cơ sở nào để nhận định rằng giá trị đồng NDT sẽ tiếp tục đi xuống".

Tuy nhiên, các nhà phân tích xem động thái này là một cách để Trung Quốc cùng một lúc có thể đẩy mạnh xuất khẩu, khi hàng hóa của họ rẻ hơn nước khác. Đồng thời, họ muốn nâng cao quyền lực cho đồng NDT, giúp dễ dàng thực hiện các mục tiêu ngoại giao và củng cố vai trò trung tâm của mình trong nền kinh tế toàn cầu.

Thanh Tuyền (tổng hợp)

Lượt xem: 1,109