Bạn đang ở đây
Tổng giám đốc HSBC: Hạn chế cho vay USD vì mục tiêu dài hạn
Tổng giám đốc HSBC: Hạn chế cho vay USD vì mục tiêu dài hạn
- Theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 31/3, các doanh nghiệp sẽ không được vay vốn bằng ngoại tệ. Ông nhìn nhận gì về quyết định này của nhà điều hành?
- Theo Thông tư 24 của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp chỉ được vay ngoại tệ đến 31/3/2016 để thanh toán trong nước khi có nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có nhu cầu thanh toán ngoại tệ ra nước ngoài và có doanh thu xuất khẩu, công ty nhập khẩu xăng dầu và các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên và trọng điểm của quốc gia vẫn tiếp tục được vay ngoại tệ.
Nhà điều hành đã linh hoạt tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay ngoại tệ để thanh toán trong nước vài năm gần đây do muốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ nhằm chống đôla hóa nền kinh tế vẫn là mục tiêu xuyên suốt. Tín dụng đã tăng mạnh trở lại năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, kinh tế cũng đã hồi phục một cách hết sức ấn tượng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ ngưng cho vay ngoại tệ cho thanh toán trong nước vào 31/3/2016.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cho rằng khó có khả năng Ngân hàng Nhà nước lùi thời điểm dừng cho vay ngoại tệ như những lần trước. Ảnh: Hải Đông |
Như đã nói ở trên, thông tư này nhằm hạn chế cho vay ngoại tệ và chống đôla hóa nền kinh tế, từng bước chuyển dịch từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Về lâu dài, điều này sẽ giúp tăng vị thế của VND và tăng tính ổn định của thị trường ngoại hối.
- Nhưng quyết định này có thể khiến doanh nghiệp thêm khó khăn khi chi phí vay vốn bị đội lên do lãi suất VND đắt đỏ hơn. Ông nghĩ sao về những ảnh hưởng đó?
- Khách hàng không được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng VND. Lãi suất cho vay bằng VND chắc chắn sẽ cao hơn lãi suất vay USD dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất vay bằng VND đã giảm mạnh trong vài năm gần đây nên chênh lệch lãi suất hiện nay không quá lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tham gia bán kỳ hạn doanh thu xuất khẩu ngoại tệ nếu họ kỳ vọng VND không mất giá nhiều như chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền. Nếu kỳ vọng VND sẽ mất giá nhiều hơn chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền, các doanh nghiệp có thể bán giao ngay khi thu được doanh thu xuất khẩu.
Ngân hàng cần chuẩn bị nguồn vốn VND để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng chuyển dịch từ vay ngoại tệ sang vay VND. Nguồn vốn ngoại tệ sẽ tăng do nhu cầu vay ngoại tệ giảm và các ngân hàng cũng không cần đẩy mạnh các hoạt động để huy động ngoại tệ nữa.
- Mặt bằng lãi suất đang tăng nhanh, vậy việc áp dụng quyết định này sẽ gây ra áp lực như thế nào đến thanh khoản nguồn vốn VND của các nhà băng cũng như đến lãi suất của thị trường, thưa ông?
- Theo tôi nguồn vốn VND sẽ bị ảnh hưởng do các ngân hàng chuyển từ cho vay ngoại tệ sang cho vay VND cho nhóm đối tượng không được vay ngoại tệ sau ngày 31/3. Tuy nhiên, tôi không kỳ vọng thanh khoản VND sẽ bị ảnh hưởng quá mạnh vì Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều công cụ để can thiệp vào thanh khoản thị trường (như thị trường mở, dự trữ bắt buộc... Ngoài ra, theo tôi tỷ lệ vốn vay ngoại tệ cho nhóm đối tượng khách hàng này trên thị trường không quá lớn trong tổng số dư nợ cho vay ngoại tệ nên tác động lên thanh khoản tiền Đồng sẽ không quá mạnh.
- Thời hạn thực hiện quy định này đã được nâng lên hạ xuống và lùi lại nhiều lần. Ông nghĩ sao về việc nên gia hạn quy định này một lần nữa?
- Quy định này cũng đã được gia hạn một vài năm nhằm giúp giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trở lại trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế cũng đã hồi phục một cách hết sức ấn tượng. Theo tôi, cũng đã đến lúc NHNN bắt đầu thực thi quy định để từng bước thực hiện lộ trình chống đôla hóa nền kinh tế.
- Lãi suất huy động đôla trong năm 2015 đã xuống mức 0% và Thống đốc có lần hé lộ khả năng người gửi ngoại tệ phải trả phí. Vậy theo ông, khi doanh nghiệp không còn được vay đôla nữa mà phải chuyển sang quan hệ mua bán, chính sách về huy động đôla Mỹ sẽ như thế nào?
- Theo tôi, lãi suất huy động USD sẽ không xuống mức âm do các ngân hàng vẫn cần vốn ngoại tệ để cho vay các doanh nghiệp có nguồn thu xuất khẩu và có nhu cầu thanh toán nước ngoài, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên và trọng điểm của quốc gia. Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 12/2015 và nhiều khả năng còn tăng tiếp năm nay.
Thanh Thanh Lan